Chuyển đổi số ở vùng cao Võ Nhai

07:22, 22/07/2022

Là địa phương vùng cao còn nhiều khó khăn, thiếu nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT), việc tiếp cận CNTT của người dân và cán bộ còn hạn chế, nên việc triển khai chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn huyện Võ Nhai gặp trở ngại khá lớn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của các cấp chính quyền cùng những giải pháp phù hợp, công tác CĐS tại huyện vùng cao này đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.

Sau hơn 3 tháng triển khai phòng họp không giấy trong chương trình CĐS, Võ Nhai đã thực hiện hàng chục cuộc họp cấp huyện theo hình thức này. Mới đây, lần đầu tiên HĐND huyện triển khai kỳ họp không giấy. Tại kỳ họp, một bộ tài liệu có thể lên tới 1kg giấy (nếu in ra) đã được thay thế bằng tài liệu điện tử và trực tuyến qua một ứng dụng chạy trên nền web, dễ tiếp cận.

Không dừng lại ở đó, mỗi tài liệu cung cấp trực tuyến đi kèm với tính năng tương tác. Người dùng có thể ghi chú, đánh dấu đoạn văn bản và đặc biệt có thể đóng góp ý kiến trực tuyến vào từng văn bản, tài liệu thay vì chỉ có một cách phát biểu tại hội trường kỳ họp. Các ý kiến này được gửi đến tổ thư ký, đồng thời, chủ tọa kỳ họp cũng có thể tiếp cận. Các đại biểu còn có thể chia tổ thảo luận trực tuyến ngay trên ứng dụng thay vì phải tổ chức một phòng họp vật lý như trước kia.

Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Cúc Đường, tâm đắc: Tôi rất đồng tình với hình thức này, bởi không chỉ tiện lợi cho đại biểu mà còn tiết kiệm được thời gian họp bàn.

Dù chưa phổ biến nhưng giờ đây, câu chuyện CĐS không còn quá xa lạ với người dân vùng cao Võ Nhai. Những năm gần đây, huyện đã triển khai mạnh mẽ nhiều hoạt động CĐS, như: Tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính công trực tuyến; áp dụng truy xuất nguồn gốc, minh bạch quy trình sản xuất trên một số sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ nông dân làm quen với thương mại điện tử… Đặc biệt, từ khi triển khai Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình CĐS tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, công tác số hóa trên địa bàn huyện Võ Nhai được triển khai rộng hơn, với các kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn.

Các sản phẩm OCOP của Võ Nhai được dán mã QR để truy xuất nguồn gốc và triển khai tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử.

Trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Thị Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Võ Nhai, cho biết: Huyện Võ Nhai đã đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về CĐS tại các hội nghị, thông qua hệ thống truyền thanh, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội; duy trì chuyên mục về CĐS trên cổng thông tin điện tử, bản tin CĐS trên hệ thống truyền thanh. Bên cạnh đó, Võ Nhai cũng tổ chức nhiều hội nghị triển khai các văn bản của tỉnh và huyện về CĐS; tập huấn về CĐS cho cán bộ phụ trách CNTT; triển khai kế hoạch phát triển chính quyền điện tử và đảm bảo an toàn thông tin mạng; triển khai đăng ký các nội dung CĐS theo từng giai đoạn tới các cơ quan, đơn vị để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đẩy nhanh tiến trình CĐS theo từng ngành, lĩnh vực, từng đơn vị… Huyện cũng triển khai thành lập 154 tổ công nghệ số cộng đồng, với gần 1.000 thành viên làm nòng cốt ở cơ sở về CĐS và phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ triển khai phát triển hạ tầng số…

Về thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền số, huyện đã cung cấp 159 thủ tục hành chính dịch vụ công mức độ 3, 4; 96/96 cơ quan, đơn vị trên địa bàn có hồ sơ trên phần mềm quản lý hồ sơ. 6 tháng đầu năm 2022, huyện Võ Nhai tiếp nhận 758 hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến, đạt tỷ lệ 59%; tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn đạt 99.78%; trao đổi trên 13 nghìn văn bản điện tử qua môi trường Internet; thực hiện thu phí, lệ phí không dùng tiền mặt tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện và cấp xã…

Đối với kinh tế số, 53/64 đơn vị trường học trên địa bàn huyện đã triển khai thu học phí không dùng tiền mặt; 100% sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử; 5 sản phẩm OCOP của huyện được giới thiệu, quảng bá trên các ứng dụng, nền tảng như: C-ThaiNguyen, Sendo, Lazada, Shopee; gần 2.000 hộ dân được đào tạo, tập huấn về kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng; gần 2.500 hộ có gian hàng trên sàn thương mại điện tử; trên 1.800 hộ có tài khoản thanh toán điện tử…

Về xã hội số, toàn huyện Võ Nhai đã có gần 2.600 tài khoản cài đặt ứng dụng C-ThaiNguyen, gần 2.200 tài khoản cài đặt Thai Nguyen ID; trên 3,8 nghìn đảng viên đã cài đặt và đăng ký Sổ tay đảng viên điện tử...

Tính đến nay, 100% các xã, thị trấn của huyện đã có internet cáp quang; tỷ lệ các xóm có sóng 3G, 4G đạt trên 83%; tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt trên 90%; tỷ lệ người dân có tài khoản thanh toán điện tử đạt gần 19%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông mình đạt 85%. Toàn huyện hiện có tới gần 55 nghìn thuê bao điện thoại di động…

Những con số "biết nói" trên đã chứng minh sự phát triển của CNTT, sức lan tỏa của phong trào CĐS trong đời sống đồng bào vùng cao Võ Nhai. Qua đó, tạo dấu ấn mới cho diện mạo nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số, góp phần đưa Võ Nhai ngày càng phát triển.