Bảo tồn, phát triển tinh hoa y học cổ truyền

07:20, 22/07/2022

Hiệu quả của thuốc đông y đã được chứng minh khi các bài thuốc truyền thống của phương Đông đang nhận được sự đánh giá cao của giới nghiên cứu trong việc điều trị bệnh. Bởi vậy, những năm qua, Hội Đông y tỉnh luôn động viên các lương y, ông lang, bà mế giỏi, những người có bài thuốc hay, cây thuốc quý của gia đình, dòng tộc truyền dạy, kế thừa bằng nhiều hình thức cho những người tâm huyết với nghề. Từ đó lưu truyền được các bài thuốc hay, cây thuốc quý phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Từ lâu, bài thuốc giải độc gan của ông Chu Văn Nguyên, ở xóm Trại Cọ, xã Mỹ Yên (Đại Từ) đã được lưu truyền và đánh giá cao. Bài thuốc của ông được bào chế từ 15 loại dược liệu thu hái từ núi rừng, hoặc trong vườn nhà như Diệp hạ châu, Nhân trần, Đinh lăng, Bông mã đề, Nghệ vàng, Dây lạc tiên, Rễ cây lá lốt…

Sau khi thu hái, các loại dược liệu này được nấu thành cao thảo dược rất dễ bảo quản và sử dụng. Hằng ngày, mọi người có thể dùng cao thảo dược để pha uống trước bữa ăn (5 đến 7 ngày/lạng cao). Ông Nguyên cho biết: Những người có men gan cao có thể dùng liên tục một đợt từ 2 đến 3 tháng.

Bài thuốc của ông Nguyên được nhiều người sử dụng và đánh giá cao. Ông Hà Quang Chiếm, người dân xã Mỹ Yên, nói: Có thời điểm men gan của tôi tăng cao. Sau khi uống cao thảo của ông Nguyên, khi đi xét nghiệm máu, men gan của tôi đã giảm rất rõ rệt.

Ngoài bài thuốc của ông Nguyên, bài thuốc chữa trị bệnh vàng da, da đen ở trẻ sơ sinh của bà Hoàng Thị Cúc ở xã Tân Dương (Định Hóa) cũng được nhiều người biết đến. Bài thuốc tắm này gồm 9 loại cây thuốc, 3 cây thuốc đặc trị, mùi vị của các cây thuốc khác nhau nhưng khi quyện lại lại có mùi thơm mát và điều trị bệnh lý vàng da ở trẻ sơ sinh rất hiệu quả. Thuốc được rửa sạch, băm nhỏ, trộn đều với nhau, phơi khô đảm bảo vệ sinh, được chia theo từng thang thuốc (mỗi thang thuốc tương ứng với 1kg khô).

Hay như bài thuốc dân gian chữa tràn dịch màng phổi của ông Lý Văn Câu, xã Động Đạt (Phú Lương), cũng rất hữu ích. Bệnh này do biến chứng của nhiều loại bệnh, phế khí kém gây cơ thể suy nhược, chấn thương lồng ngực, bụi phổi, viêm phổi, hen suyễn…

Bài thuốc của ông Câu gồm 5 loại dược liệu rất dễ kiếm. Sau đó băm nhỏ, sao vàng, hạ thổ, đóng gói và cất ở nơi khô ráo. Người bệnh cho thuốc vào nổi đất hoặc siêu nhôm, đổ nước ngập thang thuốc rồi đun khoảng 20-25 phút, uống thay nước hàng ngày.

Chuẩn trị bắt mạch để kê đơn, bốc thuốc chữa bệnh trong điều trị đông y.

Ngoài các bài thuốc nêu trên, còn rất nhiều bài thuốc, cây thuốc dân gian hay đang được lưu truyền và kế thừa, phát huy như chữa đau lưng của ông Trần Văn Thạch, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ); điều trị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên do lạnh của ông Phan Trường Trang, Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên; chữa viêm khớp dạng thấp của ông Dương Tôn Công, xã Úc Kỳ (Phú Bình)…

Điều đáng nói, các ông lang, bà mế đều sẵn sàng chia sẻ, truyền lại cho các hội viên của Hội Đông y bài thuốc gia truyền để nhiều người biết đến và sử dụng. Những bài thuốc được sưu tầm, kế thừa gia truyền trong họ tộc của các ông lang, bà mế đã phát huy tốt các bài thuốc quý, chữa khỏi bệnh cho hàng nghìn bệnh nhân mỗi năm.

Ông Thái Văn Vinh, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho hay: Hội Đông y tỉnh hiện có 2.710 hội viên tham gia sinh hoạt tại 161 cơ sở hội. Đến nay, Hội đã tập hợp được hàng trăm bài thuốc hay, cây thuốc quý của hội viên, các ông lang, bà mế có giá trị chữa bệnh. 10 năm trở lại đây, các phòng chuẩn trị được Sở Y tế cấp phép hành nghề và 178 trạm y tế xã, phường, thị trấn đã khám, chữa bệnh đông y cho khoảng 1,4 triệu lượt người.

Lương y Nguyễn Thị Tuyết, xã Phú Lạc (Đại Từ), cho biết: Hằng năm, Hội Đông Y tỉnh đều tổ chức các hội nghị, hội thảo kế thừa bài thuốc, cây thuốc trong dân gian. Mới đây (ngày 18-5), chúng tôi được tham gia Hội thảo kế thừa bài thuốc, cây thuốc cấp tỉnh năm 2022. Theo đó, 29 lương y đã được trao chứng nhận có bài thuốc, cây thuốc báo cáo tại Hội thảo. Hoạt động này rất có ý nghĩa bởi qua đó nhiều người có bài thuốc, cây thuốc quý có cơ hội chia sẻ các loại dược liệu, cách bào chế, sử dụng bài thuốc. Đặc biệt, tại các hội nghị, hội thảo, các lương y, ông lang, bà mế cùng nhau trao đổi kinh nghiệm hành nghề y.

Thực tế cho thấy, gìn giữ, kế thừa tinh hoa, kinh nghiệm chữa bệnh bằng y dược cổ truyền không chỉ đòi hỏi sự kiên trì, tâm huyết mà còn cần một quá trình lâu dài. Bởi vậy, việc chia sẻ các bài thuốc hay, cây thuốc quý của các hội viện đông y đã góp phần cùng ngành Y tế Thái Nguyên thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.