Nhận định công tác phổ cập giáo dục (PCGD), xoá mù chữ (XMC) là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao mặt bằng nhận thức, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, huyện Phú Lương đã tích cực triển khai các giải pháp để không ngừng duy trì và nâng cao chuẩn PCGD ở các cấp học trên địa bàn.
Hiện, huyện Phú Lương có 17 trường mầm non, 23 trường tiểu học, 16 trường THCS, 2 trường THPT, 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên. Năm 2017, huyện đã được công nhận đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi, PCGD tiểu học mức độ 3, PCGD THCS và xoá mù chữ mức độ 2. Trên cơ sở những thành tích có được, ngay từ đầu năm 2018, Ban chỉ đạo (BCĐ) PCGD – XMC của huyện đã xây dựng kế hoạch để triển khai nhiệm vụ, giao chỉ tiêu huy động số lượng học sinh ra lớp tới từng xã, thị trấn để nâng cao trách nhiệm, ý thức của mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, người dân trong việc phát triển sự nghiệp giáo dục.
Theo đó, căn cứ vào kế hoạch của huyện, trước khi bước vào năm học mới, BCĐ mỗi xã, thị trấn đều thành lập các tổ điều tra với thành phần là cán bộ, giáo viên từng cấp học, tới từng hộ gia đình để nắm bắt những biến động về số lượng người trong độ tuổi đến trường. Ngoài việc sát sao trong công tác kiểm tra, giám sát, BCĐ huyện cũng chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh hoạt động vận động, tuyên truyền về công tác PCGD - XMC dưới nhiều hình thức như: phát thanh; treo băng rôn; thông tin trong buổi họp xóm, xã; thông tin tại một số tiết sinh hoạt lớp, chào cờ của mỗi trường học… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, gia đình và cộng đồng về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của công tác PCGD, XMC.
Anh Đinh Quốc Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Đổ cho biết: Ngay trong quá trình điều tra, nếu nhận thấy có trường hợp không đến trường trong độ tuổi, các thành viên trong tổ cũng chủ động báo cáo cấp trên, đồng thời có trách nhiệm phối hợp với trưởng xóm, cơ quan quản lý cấp xã trực tiếp vận động gia đình cho con em tiếp tục đến trường. Nhờ đó, những năm qua, trên địa bàn xã, nhận thức của nhân dân về công tác PCGD ngày càng nâng cao và hầu hết hộ gia đình đều thực hiện đưa trẻ đến trường đúng độ tuổi.
Bên cạnh đó, hàng năm, huyện đã huy động các nguồn kinh phí của nhà nước và vận động tài trợ để xây dựng, sửa chữa hệ thống cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị cho các trường học trên địa bàn. Đi đôi với việc xây dựng hệ thống trường lớp, huyện cũng đề ra kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ, giáo viên; đồng thời quy hoạch, sắp xếp lại lực lượng cán bộ quản lý và giáo viên để từng bước cân đối về số lượng, chất lượng đội ngũ.
Anh Hoàng Anh Tú, giáo viên Trường Tiểu học Phủ Lý, xã Phủ Lý chia sẻ: Để mang đến những giờ học hiệu quả, bên cạnh kiến thức chuyên môn, tôi luôn trau dồi kỹ năng nghiệp vụ của bản thân. Với đặc thù trường có nhiều học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, khả năng nhận thức chậm hơn, tôi thường xuyên luôn đặc biệt quan tâm và giảng dạy thêm ngoài giờ cho các em, để đảm bảo không bị chậm lại so với các bạn trong lớp. Bên cạnh đó, đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tôi đều kêu gọi các em học sinh còn lại trong lớp cùng giúp đỡ, động viên ở trên lớp và trong cuộc sống hàng ngày.
Từ những nỗ lực không ngừng trong việc phát triển sự nghiệp giáo dục mà chất lượng PCGD – XMC của huyện ngày càng được nâng cao. Đến nay, hệ thống mạng lưới trường lớp được duy trì và phát triển, bình quân mỗi xã đều có 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS; 44/56 trường đạt chuẩn Quốc gia (đạt 78,6%).
Đối với giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, toàn huyện có 55 phòng học đều được xây dựng kiên cố và bán kiên cố, mỗi lớp đảm bảo diện tích 1,5m2/trẻ, có đủ đồ dùng, thiết bị dạy học tối thiểu và sân chơi cho trẻ hoạt động, vui chơi; đội ngũ giáo viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo; tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 100%.
Đối với giáo dục tiểu học, năm 2018, huy động được 100% số trẻ 6 tuổi vào lớp 1; số trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học là 97,1%; môi trường giáo dục đảm bảo quy định.
Đối với bậc giáo dục THCS, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình THCS đạt 94,77%; đảm bảo 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo…
Ngoài ra, đồng hành cùng công tác PCGD – XMC trên địa bàn, những năm gần đây, nhiều cơ quan, đơn vị, các hội đoàn thể cũng phối kết hợp tổ chức chương trình khuyến học để tặng quà, động viên, khuyến khích học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Cúc, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Phú Đô chia sẻ: Hàng năm, Nhà trường cũng thường xuyên kêu gọi, liên kết với các đoàn thiện nguyện, doanh nghiệp tổ chức chương trình tặng quà trẻ em nghèo. Riêng năm 2018, Trường đã nhận được hỗ trợ của 2 đơn vị cho các em học sinh ở cả 2 phân trường, gồm: quần áo, chăn, bánh kẹo…; ngoài ra, còn nhiều nguồn hỗ trợ của các cấp hội đoàn thể và doanh nghiệp vào dịp Tết Nguyên đán, đầu năm học tới các em học sinh nằm trong diện hộ nghèo… Những khoản hỗ trợ tuy chưa nhiều nhưng cũng là nguồn động viên to lớn đối với các em và gia đình.
Từ nhưng thành quả đã đạt được trong năm qua, bà Vũ Thị Hảo, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Lương cho hay: Hiện nay, công tác PCGD-XMC vẫn tồn tại những khó khăn về nguồn lực để đầu tư nâng cao cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đặc biệt là tại các xã còn khó khăn như Yên Lạc, Phủ lý, Yên Trạch…
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng PCGD, XMC ở 15 xã/thị trấn; nỗ lực nâng dần tỷ lệ các xã đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3 và xoá mù chữ mức độ 3, đạt chuẩn THCS mức độ 3; đồng thời tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, các cấp hội, đoàn thể trong công tác PCGD – XMC trên địa bàn…