Mới đây, tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên, Vụ Giáo dục chính trị công tác học sinh, sinh viên (HSSV) tổ chức buổi Tọa đàm góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) với sự tham gia của toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh. Nhiều chia sẻ tâm huyết, thẳng thắn xuất phát từ thực tế công việc và cuộc sống đã được đông đảo học sinh và giáo viên chia sẻ đóng góp vào dự thảo văn bản Luật.
Phát biểu đề dẫn, ông Bùi Văn Linh, Vụ phó Vụ Giáo dục chính trị công tác HSSV cho biết, Luật Giáo dục năm 2005 quy định về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân. Theo đó, mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.
Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về bình đẳng giới trong hoạt động giáo dục, trong chương trình giáo dục, sách giáo khoa và phương pháp giáo dục trong khi vấn đề bình đẳng giới luôn được quan tâm bởi các tổ chức quốc tế và cũng như các quốc gia. Theo đó, hướng chỉnh sửa bổ sung của Ban soạn thảo như sau: Bổ sung một số quy định nhằm đảm bảo bình đẳng giới tại một số Điều luật của dự thảo như: Điều 7 về chương trình giáo dục; Điều 12 về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân; Điều 30 về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa.
Theo cô giáo Phạm Thu Thủy - Tổ Tự nhiên 2: Xã hội hiện nay không có chỉ giới tính nam và nữ mà có cả giới tính thứ 3. Vì thế quy định trong dự thảo Luật về bình đẳng gới cần bao hàm cả đối tượng này. Cô Thủy đề xuất, nên thay cụm từ “nam - nữ” tại Điều 12 của dự thảo bằng cụm từ “giới tính” nhằm thể hiện tính cập nhật của Luật. Cô Thủy trao đổi: Mọi công dân không phân biệt tôn giáo, địa vị xã hội, giới tính. Vì thế cần thay cụm từ “nam - nữ” bằng cụm từ “giới tính”.
Còn bạn Hoàng Thu Thảo, lớp 12A1 thì phân tích những bất cập về vấn đề bình đẳng giới ngay trên các giáo trình, sách giáo khoa: Cần sửa đổi các hình ảnh trong sách giáo khoa. "Khi nói về nghề nghiệp ở sách Tự nhiên xã hội lớp 1, nam giới luôn được xếp vào các ngành bác sĩ, cảnh sát, luật sư, kỹ sư, còn nữ giới được giới thiệu làm nội trợ, nông nghiệp, nhân viên, y tá. Các danh nhân thế giới được đưa vào sách giáo khoa cũng phần nhiều là nam, không phải nữ", nữ sinh phản ánh. Định kiến trong sách và suy nghĩ của nhiều người khiến các bạn nữ đến độ tuổi nào đó sẽ khép mình lại, hạn chế khám phá, để đúng với “chuẩn mực” xã hội đặt ra cho giới mình. Bên cạnh đó quan niệm của giáo viên đôi khi cũng phân biệt giới tính rất rõ. Ví dụ: Khi mời học sinh về nhà cô giáo tổ chức nấu ăn chung, thường các thầy, cô cho các bạn nam ngồi chơi xem tivi, còn bạn nữ giúp cô nội trợ...
Còn cô giáo Lê Bằng Giang, Tổ Xã hội thì trao đổi: Mọi công dân không phân biệt tôn giáo, địa vị xã hội, giới tính. Vì thế cần thay cụm từ “nam - nữ” bằng cụm từ “giới tính”. Cô Giang cũng chỉ ra việc cần đưa vấn đề về giới, cần được lồng ghép vào trong dạy học cụ thể, chương trình sách giáo khoa mới có 6 tác phẩm bắt buộc, 6 tác phẩm tự chọn, 2/3 các tác phẩm nói về nam giới, số ít ỏi còn lại chỉ nói về sự hy sinh đầy đau khổ của nữ giới.
Do đó, đề nghị nên lựa chọn hình ảnh đảm bảo tính bình đẳng giới, nói nhiều về quyền được bảo vệ, chống xâm hại tình dục, công bằng trong mọi nghề nghiệp như nam giới. Các em cần được chỉ dạy nhiều hơn, khéo léo đưa vào trong từng tiết học, không đơn thuần chỉ giáo dục trong môn Sinh học, môn GDCD… rất khô cứng như hiện nay, cô giáo Giang nhấn mạnh.
Về vấn đề chính sách và đối tượng giáo dục chuyen biệt, thầy giáo Hoàng Trung Đông cho rằng, trong cả dự thảo luật sửa đổi và thông tư hiện nay, chúng ta đang bỏ ngỏ vấn đề quản lý học sinh dân tộc nội trú (DTNT), gần như 50 trường PTDTNT cả nước đều chưa có nhân viên quản lý ngoài giờ học; trong khi, nhiều vụ việc đánh nhau, bắt nạt bạn bè, bỏ trốn… lại xảy ra trong thời gian này.
Theo thầy Đông, trong Thông tư 01/2016 của Bộ GD&ĐT quy định thầy cô giáo sẽ cùng tham gia vào công tác quản lý học sinh nội trú nhưng thực chất giáo viên đang trực tiếp quản lý thay vì hỗ trợ hay tham gia. Lý do các trường đang trong quá trình tinh giảm biên chế, không có người quản sinh chuyên biệt nên giáo viên cần được đãi ngộ tốt hơn nữa trong Luật và các văn bản dưới luật. Thầy Đông cho rằng: Trường nội trú, bán trú cần có quy định chung để thống nhất giữa các địa phương và cần nâng tỉ lệ số giáo viên, số quản sinh, nhân viên thư viện trong trường nội trú.
Thầy Đông dẫn chứng: Hiện nay 100% giáo viên vừa đứng lớp vừa phải thay phiên trực quản lý học sinh ngoài giờ lên lớp; thường sẽ trực từ 19 giờ tối ngày hôm trước đến 7 giờ sáng ngày hôm sau, chưa kể nhiều đêm gần như thức trắng khi có học sinh bị ốm đau… vừa là thầy cô, cũng vừa là cha mẹ. Thế nhưng cả ngày vẫn phải đảm bảo số giờ dạy trên lớp, đủ số tiết/tuần, nhiều giáo viên đi dạy xa nhà vài chục cây số, như vậy rất vất vả…