Trước nhu cầu của các cơ sở y tế, cơ sở sản xuất công nghệ cao về vị trí việc làm “Kỹ thuật viên xét nghiệm Y - Sinh”, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) đã mở mã ngành đào tạo cử nhân xét nghiệm Y - Sinh. Đây chính là cơ hội mở ra tiềm năng và triển vọng mới phục vụ nhân lực không chỉ trong nước mà cả thị trường lao động chất lượng cao của một số nước.
Vào mạng internet, tra cứu Google với từ khóa “Tuyển kỹ thuật viên xét nghiệm Y - Sinh”, lập tức sẽ có hàng chục vạn kết quả trong vòng một giây. Điều này nói lên nghĩa là từng ấy cơ hội người học có thể kiếm được việc làm, hoặc những nhu cầu khác liên quan đến ngành, nghề này đang cần tuyển dụng.
Trên thực thế, công việc xét nghiệm tại các cơ sở y tế đóng vai trò đặc biệt quan trọng tới kết quả chẩn đoán, điều trị bệnh. Nắm bắt được nhu cầu xẫ hội, năm 2019 Trường Đại học Khoa học chính thức tuyển sinh cử nhân kỹ thuật xét nghiệm Y - Sinh. Chương trình đào tạo này được xây dựng dựa trên thực tế những đổi mới về công nghệ, thiết bị hiện đại và nhu cầu bồi dưỡng cán bộ có năng lực vận hành, triển khai các kỹ thuật xét nghiệm hiện đại.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đăng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học: Đây là một chương trình đào tạo được tối ưu hoá cao, tập trung chủ yếu vào các môn học chuyên ngành gắn với các thiết bị hiện đại để rèn luyện kỹ năng thực hành. Theo đó, người học được thực hành, thực tập trên các hệ thống thiết bị hiện đại nhất hiện nay trong lĩnh xét nghiệm. Điển hình như: Nồi hấp tiệt trùng HVA-85 Hirayama-Nhật Bản; máy lắc nuôi vi sinh vật ổn nhiệt MaxQ4000 Thermo Fisher Scientific - Mỹ; các thiết bị lưu trữ mẫu bệnh phẩm mô, tế bào, virus, vi khuẩn và DNA gồm tủ lạnh sâu -20°C Artiko Đan Mạch, tủ lạnh sâu - 80°C Thermo Scientific - Mỹ. Thiết bị phục vụ cho đào tạo xét nghiệm di truyền và sinh học phân tử như: Máy quang phổ định lượng axit Nucleic/protein Nanodrop One-Thermo Scientific; máy đo quang phổ tử ngoại khả kiến UV-VIS-NIR Jasco-Nhật Bản; Buồng thao tác an toàn sinh học cấp II Thermo Fisher Scientific - Mỹ...
Bên cạnh đó là nhóm các thiết bị phục vụ cho phân tích tế bào, miễn dịch và ung thư như: Buồng thao tác an toàn sinh học cấp I (Mỹ); hệ thống kính hiển vi soi ngược; hệ thống kính hiển vi huỳnh quang (Nhật Bản); tủ ấm nuôi cấy tế bào ung thư; hệ thống phân tích dòng chảy tế bào, phân tích miễn dịch.
Những hệ thống trang thiết bị này cho phép người học được thực hành nhiều xét nghiệm chuyên sâu khác nhau về tế bào đó là: Xác định marker HLA B27 của bệnh viêm cột sống dính khớp; đếm tế bào gốc tạo máu CD34; đếm tế bào CD3/CD4/CD8 trong đáp ứng miễn dịch ghép tạng; phân loại các thể ung thư máu; xác định các dạng trisomy 21, trisomy 18, Trisomy 13, các tế bào kháng thuốc điều trị và nhiều xét nghiệm tế bào khác.
Ngoài ra, hệ thống phòng thí nghiệm của Nhà trường còn được trang bị các hệ thống phân tích độc chất và kim loại nặng trong máu như hệ thống máy quang phổ phát xạ nguyên tử liên kết cảm ứng plasma (ICP-OES) Horiba - Nhật bản; hệ thống sắc ký khí khối phổ đơn tứ cực GC-MS ISQ QD của Thermo Scientific - Mỹ.
Điểm nhấn quan trọng nhất trong chương trình đào tạo kỹ thuật viên xét nghiệm Y - Sinh tại Trường Đại học Khoa học là người học không chỉ được trang bị các kiến thức xét nghiệm tổng thể mà còn được đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật xét nghiệm gen và tế bào. Đây là mảng xét nghiệm mà các bệnh viện lớn đang thiếu cán bộ trầm trọng. Nắm bắt được quá trình chuẩn bị đào tạo, ngay đầu năm 2019, Bệnh viện A Thái Nguyên đã tìm đến Trường Đại học Khoa học ký kết thỏa thuận hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ. Đây chính là tiền đề mở ra cơ hội thực hành, nghiên cứu và mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho “Chương trình đào tạo cử nhân xét nghiệm Y-Sinh” của Nhà trường.
Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Minh Thịnh, Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên cho biết: “Chương trình ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Khoa học về giảng dạy, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ này sẽ giải phóng tiềm lực của 2 bên trong đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật xét nghiệm Y - Sinh và nghiên cứu, phát triển các kỹ thuật sinh học phân tử, vi sinh trong chẩn đoán bệnh. Quan trọng hơn là giải quyết nhu cầu nguồn nhân lực kỹ thuật viên xét nghiệm chất lượng cao tại các cơ sở y tế”.