Khó khăn sau khi sáp nhập các trường học

07:41, 28/11/2019

Thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức, thời gian qua ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Lương đã tiến hành sắp xếp, sáp nhập 8 trường học có quy mô nhỏ, ít học sinh xuống còn 4 trường học. Tuy nhiên, cùng với những tích cực đạt được thì sau khi sáp nhập tại các trường học còn phát sinh một số vướng mắc.

Tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, 4 trường học tiểu học đã được sáp nhập là: Vô Tranh, Tức Tranh, Yên Trạch, Cổ Lũng. Việc sáp nhập giúp các điểm trường tận dụng, khai thác, phát huy hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị hiện có, theo đó, khắc phục được tình trạng thừa, thiếu phòng học giữa các điểm trường trong cùng địa bàn. Giúp các nhà trường chủ động trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, việc tuyển sinh trên địa bàn đảm bảo cho phân vùng tuyển sinh phù hợp. Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi sáp nhập tại các trường học đang nảy sinh một số khó khăn. Đơn cử như tại Trường Tiểu học Vô Tranh. Từ năm học 2018-2019, Trường được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trường Tiểu học Vô Tranh 1 và Trường Tiểu học Vô Tranh 2. Sau khi sáp nhập, quy mô trường lớp đã tăng lên với tổng số hơn 700 học sinh và 26 lớp, vì vậy nhà trường vẫn sử dụng cả 2 điểm trường cũ để phục vụ việc dạy và học. Thầy giáo Nguyễn Minh Quang, giáo viên giảng dạy môn Mỹ thuật, Trường Tiểu học Vô Tranh chia sẻ: Hiện tại, Nhà trường đang cùng lúc sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất tại 2 điểm trường. Đối với bộ môn Mỹ thuật, do tại điểm trường chính chưa có phòng chức năng riêng từng bộ môn nên hiện nay môn Mỹ thuật và Âm nhạc đang học chung phòng đan xen các tiết học với nhau. Đặc thù bộ môn Mỹ thuật là phải ngồi theo nhóm, nên việc di chuyển bàn ghế để vào giờ học và sắp xếp cho tiết học sau mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.

Cùng với khó khăn về cơ sở vật chất, sau khi sáp nhập, do quy mô số lớp, số học sinh tăng dẫn đến công tác quản lý, điều hành hoạt động của các nhà trường gặp nhiều trở ngại. Bà Vũ Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vô Tranh cho biết: Sau khi sáp nhập 2 trường học, chúng tôi đã tinh gọn được đội ngũ cán bộ, giáo viên (từ 56 xuống còn 48 cán bộ, giáo viên). Tuy vậy, việc sắp xếp chuyên môn vất vả hơn vì phải cân đối giữa 2 điểm trường sao cho hợp lý, không bị chồng chéo. Quy mô cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường sau sáp nhập tăng, nên công tác sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn cũng như sinh hoạt chung gặp khó khăn do cơ sở vật chất chưa đáp ứng kịp thời. 

Không chỉ khó khăn trong công tác quản lý và giảng dạy của giáo viên mà sau sáp nhập một số trường học còn gặp khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động tập thể do khoảng cách giữa 2 điểm trường cách xa nhau. Đơn cử như Trường Tiểu học Cổ Lũng, sau khi sáp nhập, thầy và trò Nhà trường cũng đã gặp khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động tập thể chung. Theo bà Nguyễn Thị Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cổ Lũng thì: Việc di chuyển giữa 2 điểm trường để tham gia các hoạt động tập thể chung ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sự an toàn của học sinh. Mỗi giáo viên phải tham gia giảng dạy tại hai điểm trường, di chuyển liên tục nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo huyện Phú Lương cho biết: Để thuận lợi cho chủ trương sáp nhập, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện đã có phương án chỉ sáp nhập 2 trường trong cùng một cấp học, để tránh tình trạng khó khăn trong quản lý, sắp xếp. Chúng tôi sẽ thực hiện phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác tuyển sinh, phân vùng đối với học sinh học ở từng điểm trường.

Bên cạnh những giải pháp trước mắt thì để việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại bộ máy công chức, viên chức tại các trường học đạt kết quả tốt, về lâu dài, ngành Giáo dục - Đào tạo huyện Phú Lương nên tăng cường đầu tư cơ sở vật chất của các điểm trường để đảm bảo việc dạy và học.