Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Thái Nguyên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với khối lớp 2 và lớp 6. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình đã cơ bản hoàn tất.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Việt Đức, Sở đã triển khai tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để bảo đảm triển khai thực hiện tốt Chương trình GDPT mới. Toàn ngành đã tiến hành rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường. Về phía các nhà trường đã chủ động chuẩn bị từ năm học trước để thực hiện tốt Chương trình GDPT mới, nhất là về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất.
Điểm nổi bật trong chương trình GDPT mới với khối lớp 1 trong năm học trước chính là các nhà trường đã vận hành tốt, giáo viên chủ động, học sinh được phát huy tốt phẩm chất, năng lực và tư duy sáng tạo. Toàn tỉnh đã thực hiện Chương trình GDPT mới cho toàn bộ 867 lớp 1 với 24.927 học sinh.
So với định mức sĩ số học sinh trên lớp quy định là 35 em/lớp thì tỉnh Thái Nguyên thực hiện đạt mức bình quân 28,75 học sinh/lớp. Đây cũng là những nỗ lực rất lớn của các địa phương thực hiện Chương trình, đồng thời chống quá tải trong trường học.
Chia sẻ về kết quả thực hiện Chương trình GDPT mới, cô Phan Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Xá (T.P Thái Nguyên) nói: Với chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, giáo viên được trao quyền chủ động, sáng tạo nhiều hơn. Những kết quả tích cực sau một năm triển khai Chương trình GDPT mới là động lực để nhà trường quyết tâm thực hiện tốt việc đổi mới ở những khối lớp còn lại trong những năm tiếp theo.
Còn cô Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dân Tiến 1 (Võ Nhai) chia sẻ: Chương trình GDPT mới không quy định cứng nội dung từng bài học tương ứng với thời gian của buổi học, tuần học mà chỉ quy định thời lượng và yêu cầu cần đạt của cả năm học đối với từng môn. Do đó, giáo viên có thể chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và phân bổ các tiết dạy phù hợp với đối tượng học sinh. Đặc biệt, có sự phối hợp hài hòa, hiệu quả giữa các phương pháp dạy học truyền thống với các phương pháp mới, phát huy được tính tích cực và khai phóng tư duy của học sinh.
Sách giáo khoa chương trình GDPT mới đến tay phụ huynh học sinh xã vùng cao Thần Sa (Võ Nhai) trước khai giảng gần 1 tháng để học sinh làm quen.
Theo đánh giá của ngành GD&ĐT, toàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực so với yêu cầu của Chương trình GDPT mới đặt ra trong năm học đầu tiên. Đó là: Các nhà trường đều tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh lớp 1. Số học sinh học từ 32 đến 35 tiết đạt gần 97%, số còn lại học từ 30 tiết đến 31 tiết/tuần; có 45,69% số lớp và 38,41% số học sinh bán trú. Kết quả số học sinh hoàn thành Chương trình chiếm tỷ lệ 98,04%, cao hơn mức bình quân chung toàn quốc.
Với những kết quả đã đạt được trong hơn 1 năm chuẩn bị và vận hành Chương trình GDPT mới trên địa bàn toàn tỉnh, có thể thấy, tính chủ động và sự sẵn sàng cho năm học tiếp theo với lớp 2 và lớp 6 là tương đối khả quan. Hiệu trưởng Trường THCS Tân Long (T.P Thái Nguyên) Lê Mỹ Anh cho biết: Nhà trường đã sớm thông tin đến các bậc phụ huynh về việc triển khai Chương trình GDPT mới đối với khối lớp 6, nhằm tránh sự băn khoăn, lo lắng.
Đến nay, tất cả cán bộ quản lý, giáo viên của trường đã tham gia tập huấn các nội dung của Chương trình. Nhà trường đã được cấp đầy đủ sách giáo khoa đáp ứng đủ chỉ tiêu tuyển hơn 100 học sinh khối lớp 6. Đặc biệt Trường mới được thành phố đầu tư cho hơn 5 tỷ đồng xây mới 6 phòng học và hệ thống sân chơi, bãi tập đáp ứng Chương trình GDPT mới”.
Năm học mới đã đến, với sự chủ động và vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp, Chương trình GDPT mới được kỳ vọng sẽ tạo sự chuyển biến căn bản trong giáo dục và nhanh chóng tiệm cận với chương trình giáo dục tiên tiến, như mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện của toàn ngành GD&ĐT đặt ra. Vận hành đồng bộ Chương trình GDPT mới cũng chính là tạo niềm tin và kỳ vọng của xã hội vào những đổi mới của nền giáo dục trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Cô Phan Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Xá (T.P Thái Nguyên): “Xác định đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định nên Nhà trường ưu tiên sắp xếp những thầy, cô có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm để giảng dạy các khối lớp triển khai Chương trình GDPT mới.”