Khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc ở bậc THPT

Trinh An 09:26, 28/03/2023

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chính thức ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Trong đó có những điều chỉnh liên quan đến chương trình tổng thể và môn Lịch sử bậc THPT nhằm bảo đảm yêu cầu “thiết kế môn Lịch sử THPT có cả phần bắt buộc và lựa chọn”.

học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Iris Tái hiện Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 qua dự án “Ngày hội non sông”. Ảnh: T.L
Học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Iris tái hiện Chiến thắng lịch sử 30-4 qua dự án “Ngày hội non sông” thuộc chương trình tích hợp liên môn Lịch sử - Văn học - Mỹ thuật - Âm nhạc. Ảnh: T.L

Lịch sử từ môn học lựa chọn thuộc nhóm môn Khoa học xã hội, trở thành môn học bắt buộc. Như vậy, chương trình có các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục Quốc phòng và An ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. 

Theo nhiều giáo viên, phương án đưa Lịch sử trở thành môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc từ năm 2025 là cơ hội để nâng cao vị thế môn học, cũng là thách thức lớn với người học và người dạy. 

Ông Nhâm Quốc Hưng, chuyên viên Phòng Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên (Sở GD&ĐT), cho biết: Hiện, học sinh lớp 10 đang học 6 môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Lịch sử. Bộ cũng đang lấy ý kiến rộng rãi để đưa môn Lịch sử vào thi tốt nghiệp THPT năm 2025. 

Bày tỏ sự vui mừng khi tiếp nhận thông tin này, cô Nguyễn Thị Ngọc Hà - giáo viên dạy Lịch sử, Trường THPT Hoàng Quốc Việt (Võ Nhai), cho rằng: Với tinh thần “dân ta phải biết sử ta" thì phương án này sẽ được phụ huynh, học sinh, giáo viên ủng hộ. Thực trạng học môn Lịch sử của học sinh hiện nay vẫn là học gì thi đó. Hơn nữa, kiến thức lịch sử của nhiều học sinh THPT bị hổng do có định hướng thi đại học theo khối nên bỏ qua môn học này. 

Để học sinh tiếp nhận và yêu thích môn Lịch sử, thầy cô phải nâng cao kiến thức chuyên môn, tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng; tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. 

Thầy Dương Xuân Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Điềm Thụy (Phú Bình) phân tích: Phương án nào cũng có ưu điểm và hạn chế. Về ưu điểm, phương án đưa môn Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đồng nghĩa với việc Bộ GD&ĐT đã nâng cao vai trò của môn Lịch sử. 

Hiện nay, môn Lịch sử được nhiều thí sinh lựa chọn để xét tuyển vào đại học với các ngành đào tạo liên quan, như: Truyền thông, Báo chí, Chính trị học, Luật, Quan hệ công chúng, Sư phạm… Phương án đổi mới rất phù hợp, thuận lợi cho các trường đại học xét tuyển đầu vào.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế. Theo đó, học sinh vừa được làm quen với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, vì vậy phương pháp học, thực hành còn nhiều bỡ ngỡ. Tiếp đến, khi đưa môn học này trở thành môn thi bắt buộc cần có thời gian để nâng cao nhận thức của các em cũng như tầm quan trọng của môn học. Từ đó, chất lượng nghiên cứu cũng như thi cử sẽ đạt được hiệu quả cao hơn. 

Trước đó, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2023, 2024 theo hướng giữ ổn định như năm 2022. Đồng thời, triển khai xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm đúng định hướng xuyên suốt, thống nhất về đánh giá kết quả giáo dục của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tổ chức tham khảo ý kiến rộng rãi các chuyên gia, các nhà quản lý, thầy cô giáo và toàn xã hội để tiếp tục hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.