Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục lịch sử địa phương đối với học sinh, nhiều trường học trên địa bàn huyện Phú Bình đã chú trọng lồng ghép tuyên truyền, giảng dạy trong một số môn học và các hoạt động ngoại khóa.
Việc giáo dục lịch sử địa phương được giáo viên Trường THCS Hương Sơn chú trọng lồng ghép trong các tiết học môn Lịch sử. |
Tìm hiểu về công tác giáo dục lịch sử địa phương tại nhiều trường học trên địa bàn huyện Phú Bình, chúng tôi thấy các nhà trường triển khai qua nhiều hình thức phong phú, tạo sự lôi cuốn giúp học sinh nhớ lâu, nhớ sâu các sự kiện lịch sử của địa phương mình.
Ví dụ như ở Trường THCS Kha Sơn, để giúp các thế hệ học sinh của Trường hiểu hơn về lịch sử địa phương, Nhà trường luôn ưu tiên việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Hầu hết các năm học, trường tổ chức đưa học sinh đi tham quan, trải nghiệm tại các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ trên địa bàn xã nói riêng và huyện Phú Bình nói chung. Trong năm học 2022-2023, vào dịp hội Xuân truyền thống đình Kha Sơn Hạ-chùa Làng Ca, Nhà trường đã đưa hàng trăm học sinh đi dự Hội bởi các di tích này là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử. Tại đây, học sinh đã được tìm hiểu nguồn gốc, quá trình tu sửa, tôn tạo của cụm Di tích lịch sử cấp Quốc gia này và truyền thống cách mạng của địa phương mình.
Hay như ở Trường THCS Hương Sơn, việc giáo dục lịch sử địa phương được Nhà trường thực hiện bằng cách lồng ghép vào tiết học của các môn, như: Lịch sử, Địa lí, Ngữ văn; hướng dẫn các em tìm hiểu thông tin qua các cuốn sách, tài liệu được lưu ở Thư viện trường, nhất là các nội dung trong cuốn Lịch sử Đảng bộ địa phương.
Ngoài ra, Nhà trường còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa mang tính giáo dục truyền thống cao như chăm sóc và viếng Nghĩa trang Liệt sĩ; tham quan tìm hiểu những nơi diễn ra các sự kiện lịch sử trên địa bàn huyện...
Em Hoàng Hà Linh, học sinh lớp 9Đ, Trường THCS Hương Sơn, cho biết: Em rất thích các tiết học được tìm hiểu về lịch sử địa phương. Trong các tiết học đó, cô giáo đã sưu tầm nhiều video, hình ảnh tư liệu về lịch sử để đưa lên máy chiếu cho học sinh dễ hiểu và tạo sự hứng thú khi học. Bên cạnh đó, cô còn hướng dẫn em và các bạn chơi các trò chơi trắc nghiệm; lập bảng cột mốc năm và sự kiện tương ứng để nhớ lâu, nhớ sâu các sự kiện lịch sử địa phương.
Để nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh, ngay từ đầu năm học, các nhà trường đã xây dựng kế hoạch năm học, kế hoạch bộ môn và phân công giáo viên giảng dạy, tiến hành lồng ghép, liên hệ thực tế qua các môn học. Trong đó, tư liệu lịch sử luôn được các giáo viên đảm bảo tính khoa học, sinh động, phù hợp với đối tượng học sinh của từng cấp học để các em có thể hình dung được một cách khái quát nhất về lịch sử hình thành, phát triển và những truyền thống của quê hương.
Ngoài ra, để đánh giá chính xác mức độ tiếp thu, tinh thần, thái độc của học sinh nhằm kịp thời điều chỉnh, nâng cao hiệu quả giảng dạy, các trường đã có nhiều cách làm hay như: Tổ chức các phần thi hỏi - đáp trong các tiết học, buổi sinh hoạt; lồng ghép vào các đề kiểm tra; tổ chức tham quan tại các di tích lịch sử...
Nội dung tuyên truyền, giáo dục chủ yếu tập trung về các sự kiện, nhân vật lịch sử, những tấm gương hy sinh của các anh hùng dân tộc. Qua đánh giá của nhiều trường học trên địa bàn huyện Phú Bình, đa số học sinh đều tỏ ra hào hứng khi được tham gia các hoạt động về nguồn, tích cực tương tác với giáo viên trong các tiết học lịch sử địa phương.
Đặc biệt, việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm đã mang lại nhiều hứng thú cho học sinh khi các em được đi tận nơi, thấy tận mắt những địa danh lịch sử của địa phương. Qua đó tạo điều kiện cho các em phát huy tính chủ động trong việc tìm hiểu các thông tin về những địa điểm, di tích lịch sử.
Không chỉ chú trọng công tác tuyên truyền, giảng dạy về lịch sử địa phương, các trường học trên địa bàn huyện còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, như: Chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ; thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình chính sách... Ông Nguyễn Đình Toán, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Phú Bình, cho biết: Phòng đã chỉ đạo tất cả các trường học trên địa bàn huyện chú trọng gắn lý thuyết với thực tiễn trong công tác giáo dục lịch sử địa phương bằng cách tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Qua đó giúp học sinh biết trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống của quê hương, có ý thức phấn đấu, rèn luyện trong học tập để trở thành con ngoan, trò giỏi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin