Thái Nguyên: Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn

Hằng Nga 16:09, 10/05/2023

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn của tỉnh, nhằm cụ thể hóa Quyết định số 1609/QĐ-TTg ngày 26/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030”.

Qua hoạt động dạy học, các hoạt động bổ trợ khác, các giáo viên Trường Mầm non xã Phú Tiến (Định Hóa) tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em là con đồng bào dân tộc thiểu số.
Giáo viên Trường Mầm non xã Phú Tiến (Định Hóa) dạy tiếng Việt cho trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đó, Thái Nguyên đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 30% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 93% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo tại các xã khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non. Trong số đó có ít nhất 98% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ; ít nhất 80% các huyện có xã tập trung trẻ em người dân tộc thiểu số có mô hình tăng cường tiếng Việt.

Đến năm 2030, có ít nhất 32% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 96% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo tại các xã khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non. Trong đó có ít nhất 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ.

Về đội ngũ giáo viên, đến năm 2025, bồi dưỡng ít nhất 50% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ để dạy trẻ. Đối với cơ sở giáo dục mầm non, phấn đấu trước năm 2030 xóa bỏ 100% các phòng học nhờ, phòng học tạm, tập trung sửa chữa, xây mới để đảm bảo đủ phòng học cho trẻ theo quy mô học sinh ở từng địa phương...

Thái Nguyên hiện có 248 trường mầm non. Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ (dưới 36 tháng tuổi) đi học đạt 32,5%; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi mẫu giáo (từ 3-5 tuổi) đi học đạt 96,7%; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đi học đạt 100%.