Thời điểm này, học sinh (HS) trong toàn tỉnh đang nghỉ hè. Nhiều phụ huynh đôn đáo tìm lớp học thêm cho con để vừa bổ trợ kiến thức, vừa để quản lý con em mình tốt hơn. Trước nhu cầu của phụ huynh HS, nhiều cơ sở, cán bộ, giáo viên đã tổ chức các lớp dạy thêm. Để HS có một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa, công tác quản lý dạy thêm, học thêm tại tỉnh được thực hiện như thế nào, phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc trao đổi với TS. Đào Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).
Hiện nay, các trường THPT đều xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm cho học sinh có nhu cầu và trên tinh thần tự nguyện. Đặc biệt là ôn tập để học sinh lớp 12 tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong ảnh: Giờ ôn tập của cô và trò khối 12 Trường THPT Gang Thép trước Kỳ thi tốt nghiệp. |
PV: Xin đồng chí cho biết các quy định về dạy thêm, học thêm hiện nay của Bộ GDĐT, UBND tỉnh?
TS. Đào Xuân Tân: Các quy định về dạy thêm, học thêm hiện nay được thực hiện theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/4/2012 của Bộ trưởng Bộ GDĐT, Quyết định số 33/2012/QĐ-UBND ngày 08/10/2012 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh... Theo đó, dịch vụ dạy thêm, học thêm không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Theo quy định tại Điều 4, Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, các trường hợp không được dạy thêm: Không dạy thêm đối với HS đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Không dạy thêm đối với HS tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục - thể thao; rèn luyện kỹ năng sống. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập: không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với HS mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
PV: Theo quy định, dịch vụ dạy thêm, học thêm không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Vậy hiện nay, việc quản lý các cơ sở dạy thêm trong nhà trường được tổ chức như thế nào thưa đồng chí?
TS. Đào Xuân Tân: Theo quy định của pháp luật, dịch vụ dạy thêm, học thêm không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, sau khi Bộ GDĐT ban hành Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT ngày 26/8/2019, Sở GDĐT, UBND cấp huyện không thực hiện cấp phép dịch vụ dạy thêm, học thêm.
Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường được thực hiện tại các cơ sở giáo dục cấp THCS và cấp THPT. Hiện nay, các nhà trường đều xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm cho học sinh có nhu cầu và trên tinh thần tự nguyện.
Việc thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong các trường được thực hiện lồng ghép trong các cuộc thanh tra, kiểm tra của Sở GDĐT, UBND cấp huyện và phòng GDĐT các huyện, thành phố.
PV: Ngoài thanh tra, kiểm tra, thì để kiểm soát việc dạy thêm, học thêm theo đúng quy định, Sở GDĐT đã có sự chỉ đạo như thế nào đối với các phòng GDĐT, các nhà trường?
TS. Đào Xuân Tân: Để kiểm soát việc dạy thêm, học thêm thực hiện đúng quy định, thời gian qua, Sở GDĐT đã chỉ đạo các phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về dạy thêm, học thêm. Thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy học, công tác kiểm tra, đánh giá HS theo quy định của Bộ GDĐT; chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường, trong đó có hoạt động dạy 2 buổi/ngày để cha mẹ HS yên tâm hơn về chất lượng giáo dục, từ đó giảm nhu cầu cho con đi học thêm.
Mặt khác, các nhà trường chú trọng giáo dục phẩm chất tận tụy, hết lòng vì HS của giáo viên. Nghiêm cấm việc cắt xén chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm hoặc ép buộc HS học thêm dưới bất kỳ hình thức nào. Nhìn chung, trong thời gian qua, các cơ sở giáo dục đều thực hiện đúng quy định về dạy thêm, học thêm.
PV: Theo phản ánh của phụ huynh HS, tình trạng giáo viên vi phạm quy định tại Điều 4 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT diễn ra khá phổ biến. Vậy theo đồng chí trách nhiệm này trước hết thuộc về ai và những giải pháp để chấn chỉnh tình trạng trên?
TS. Đào Xuân Tân: Để xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định, trước hết trách nhiệm thuộc về người đứng đầu cơ sở giáo dục và giáo viên. Đồng thời cũng có trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục và UBND cấp huyện, thành phố trong việc thanh tra, kiểm tra và quyết liệt trong xử lý những sai phạm.
Để chấn chỉnh tình trạng này, thời gian tới, Sở GDĐT tiếp tục phối hợp với UBND cấp huyện chỉ đạo các phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục thực hiện tốt quy định của pháp luật về dạy thêm, học thêm; tăng cường thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có).
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin