Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được coi là “nguồn nhân lực của nguồn nhân lực”. Theo đó, mục tiêu tỉnh Thái Nguyên đề ra đến năm 2025 là 100% giáo viên và cán bộ quản lý đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Đến thời điểm này, mục tiêu này còn thiếu 10,53%.
Lớp Đại học Tiểu học K21D do Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường nhằm cập chuẩn trình độ đào tạo. |
Những tháng học sinh nghỉ hè là thời điểm nhiều giáo viên dành thời gian tham gia các lớp đại học để đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Có mặt tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh những ngày này, chúng tôi nhận thấy số lượng học viên các lớp khá đông.
Chị Nguyễn Thị Uyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Châu (Phú Bình) chia sẻ: Tôi học trung cấp sư phạm và ra trường năm 1992. Năm 2004, tôi tiếp tục học tiếp hệ cao đẳng rồi cử nhân quản lý, song đối chiếu với tiêu chuẩn về trình độ đào tạo vẫn chưa đạt. Theo Luật Giáo dục 2019, quy định bắt buộc giáo viên tiểu học trình độ chuẩn đào tạo là đại học. Năm nay tôi đã 51 tuổi, quãng đường đi lại xa, song hàng ngày tôi vẫn khắc phục khó khăn để hoàn thành chương trình học tập.
Tại lớp Đại học Tiểu học K21D, riêng huyện Phú Bình có 12 cán bộ, giáo viên đang theo học. Trong lớp có nhiều giáo viên năm nay đã hơn 50 tuổi giống chị Uyên, song vẫn quyết tâm học để đạt chuẩn đào tạo. Nhiều thầy, cô giáo ở huyện vùng cao Võ Nhai vì nhiều lý do phải đi về trong ngày, với quãng đường 70km, nhưng vẫn sắp xếp thời gian tham gia lớp học đầy đủ.
Đơn cử như thầy giáo Chu Văn Hải, dạy ở điểm trường Kẹ, Trường Tiểu học Liên Minh (Võ Nhai), quãng đường đi về trong ngày gần 60km. Trò chuyện cùng chúng tôi, thầy Hải cho biết: Trước, tôi học hệ cao đẳng giờ liên thông lên đại học cũng thuận lợi. Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh cũng tạo điều kiện sắp xếp thời gian học vào thứ Bảy, Chủ nhật và các tháng Hè, rất thuận lợi cho các giáo viên giam gia.
Việc chuẩn hóa đội ngũ đã được ngành Giáo dục xác định là nhiệm vụ then chốt, tập trung chỉ đạo thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. |
Thực hiện mục tiêu Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh đã tích cực tham mưu cho Sở Giáo dục và Đào tạo và phối hợp với các phòng Giáo dục và Đào tạo rà soát đội ngũ cán bộ, giáo viên chưa đạt chuẩn để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo mục tiêu đề ra (năm 2025, 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo).
Ông Hoàng Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh, thông tin: Xác định việc chuẩn hóa và nâng chuẩn trình độ đào tạo cho đội ngũ cán bộ, giáo viên là nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, Trung tâm đã tích cực, chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, tham mưu với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc tổ chức các lớp học. Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm đã phối hợp tổ chức đào tạo cho 382 học viên. Trong số này, đào tạo trình độ đại học tiểu học là 193 học viên, đại học mầm non là 189 học viên. Đến nay, đã có 165 học viên tốt nghiệp.
Theo đánh giá, việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên được các địa phương đặc biệt quan tâm. Theo bà Nguyễn Thị Lượng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Phổ Yên: Theo Luật Giáo dục năm 2019, toàn thành phố còn trên 100 giáo viên chưa đạt chuẩn. Phòng đã tham mưu cho UBND thành phố xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn cho đội ngũ giáo viên. Đến thời điểm hiện tại, số giáo viên chưa đạt chuẩn đã được cử đi học. Theo lộ trình, đến đầu năm 2024, 100% giáo viên của Phổ Yên sẽ đạt chuẩn về trình độ đào tạo.
Hiện nay, trong tổng số 25.826 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn tỉnh (biên chế 17.431; hợp đồng định mức khoán các trường công lập 7.073, hợp đồng ngoài công lập 1.332), tỷ lệ giáo viên, cán bộ quản lý đạt chuẩn về trình độ đào tạo là 89,47%.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 1.321 cán bộ, giáo viên tham gia các lớp đào tạo; 668 cán bộ, giáo viên đã có kế hoạch đào tạo trong năm 2023 và 2024; còn lại 374 giáo viên sẽ nghỉ chế độ hưu trí trong các năm từ 2023-2025 không thuộc diện đào tạo. Như vậy, so với mục tiêu đến năm 2025, Thái Nguyên còn thiếu 10,53% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn về đào tạo...
Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo: Chuẩn hóa đội ngũ là khâu then chốt, nên mỗi cán bộ, giáo viên cần nỗ lực rèn luyện, phấn đấu tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tận tụy với nghề, trau dồi phẩm chất, đạo đức, lối sống mẫu mực, xứng đáng với niềm tin yêu của phụ huynh và học sinh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin