Sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa vùng nông thôn với thành thị ngày càng xa và đây là vấn đề luôn được xã hội quân tâm, nhất là sau các kỳ thi cuối cấp.
Học sinh người dân tộc Mông tại Điểm trường Lũng Hoài, Trường Tiểu học Thượng Nung (Võ Nhai). |
Trong những năm qua, ngành Giáo dục của tỉnh đã có nhiều cố gắng và tạo nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục, nhất là với học sinh cấp THCS và THPT nhằm rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục ở các trường vùng nông thôn, miền núi, vùng cao và thành thị trong tỉnh có sự cách biệt đáng kể, càng về vùng sâu, vùng xã thì chất lượng càng thấp hơn.
Đặc biệt, kỳ thi tốt nghiệp THCS và thi đầu vào các trường THPT công lập của tỉnh thể hiện rất rõ sự chênh lệch về kiến thức, điểm số giữa học sinh ở thành thị và nông thôn, miền núi, vùng cao của tỉnh.
Cụ thể, trong năm học 2023-2024, các trường THPT ở các thành phố của tỉnh (Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên) lấy điểm rất cao (trường cao nhất lấy tới 39 điểm). Ngược lại, một số trường THPT ở các huyện: Võ Nhai, Đồng Hỷ, Định Hóa… lấy điểm thấp hơn 30-40% so với ở đô thị nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.
Do vậy, một số học sinh ở thành thị trượt lớp 10 nhưng khi xin học tại các trường THPT ở miền núi, nông thôn, vùng cao lại được đưa vào lớp chọn…
Thực trạng hiện nay, các trường THCS ở nông thôn, miền núi, vùng cao của tỉnh còn nhiều thiếu thốn về trang thiết bị, phương tiện, đồ dùng dạy học; đội ngũ giáo viên có trình độ cao chưa nhiều; phụ huynh không có điều kiện kinh tế cho con học tập nâng cao ngoài giờ lên lớp... Đây là những nguyên nhân chính khiến chất lượng dạy và học ở nông thôn, miền núi, vùng cao của tỉnh chưa đạt hiệu quả như mong muốn...
Vậy làm thế nào để thu hẹp khoảng cách chênh lệch chất lượng giáo dục giữa vùng nông thôn, miền núi, vùng cao và thành thị của tỉnh? Một số chuyên gia về giáo dục cho rằng chất lượng giáo dục ở nông thôn, miền núi, vùng cao tiến thêm 1 bậc thì ở thành thị đã vượt lên 2, 3 bậc. Do vậy, việc chất lượng giáo dục ở nông thôn và thành thị bằng nhau là khó có thể thực hiện được.
Để khoảng cách này gần nhau cần sự nỗ lực và đầu tư tổng thể từ cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất tới nhân lực... cho vùng nông thôn, miền núi, vùng cao. Đây là việc làm vô cùng cần thiết để phát triển bền vững nền giáo dục và tiến tới phát triển toàn diện nguồn nhân lực của địa phương, đất nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin