KỶ NIỆM 30 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN (4/4/1994 - 4/4/2024) VÀ ĐÓN NHẬN HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG HẠNG NHẤT:
Khẳng định vị thế đại học vùng

Thảo Nguyên 08:31, 03/04/2024

Cách đây 30 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/NĐ-CP ngày 4/4/1994 về sắp xếp và tổ chức lại các trường đại học trên địa bàn TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) ra đời nhằm hình thành trung tâm đào tạo lớn, đa ngành, đa lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện nay, ĐHTN đang khẳng định vị thế là đại học vùng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Viện Khoa học và Công nghệ (Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên) được trang bị thiết bị thí nghiệm hiện đại, đáp ứng nhu cầu đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ vi mạch và bán dẫn. Ảnh: T.L
Viện Khoa học và Công nghệ (Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên) được trang bị thiết bị thí nghiệm hiện đại, đáp ứng nhu cầu đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ vi mạch và bán dẫn. Ảnh: T.L

Đóng góp tích cực nâng cao Chỉ số PII

Trong chiến lược phát triển của Thái Nguyên và các tỉnh trong khu vực, ĐHTN luôn được đánh giá cao vị thế và đóng góp về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, năm 2023, Thái Nguyên được xếp vào nhóm 10 tỉnh, thành đứng đầu cả nước; dẫn đầu các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII), trong đó có sự đóng góp tích cực của ĐHTN.

Với vị thế là đại học vùng, ĐHTN hiện có 7 trường đại học, 1 trường cao đẳng thành viên; 1 trường, 1 khoa trực thuộc; 2 phân hiệu đào tạo tại tỉnh Lào Cai và Hà Giang; Nhà xuất bản, Tạp chí Khoa học và công nghệ; 12 trung tâm phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học...

Đến nay, 7/7 trường đại học thành viên đã được kiểm định chất lượng. ĐHTN hiện có 2.454 cán bộ giảng dạy; trong đó 162 giáo sư, phó giáo sư, 925 tiến sĩ, 1.890 thạc sĩ và tương đương; 176 giảng viên cao cấp, 775 giảng viên chính, 15 chuyên viên chính...

Trong giai đoạn 2018-2023, số lượng thí sinh trúng tuyển đại học chính quy vào ĐHTN của 15 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc từ 6.000-8.000 sinh viên/năm, trong đó riêng Thái Nguyên là từ 3.200-4.400 sinh viên (chiếm 40-49% số sinh viên ĐHTN). Hằng năm, tỉnh có trên 10.000 học sinh tốt nghiệp THPT, trong đó khoảng 25% vào học tại ĐHTN.

Đặc biệt, từ năm 2014-2023, toàn Đại học đã thực hiện 123 đề tài khoa học và công nghệ cấp Nhà nước; 247 đề tài cấp Bộ, tỉnh; 442 đề tài cấp ĐHTN. Các nhà khoa học của ĐHTN đã công bố 2.846 bài báo khoa học trên các tạp chí ISI/SCOPUS; 2.060 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế có uy tín khác. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên ĐHTN đã đoạt giải thưởng cấp Nhà nước, bộ, ngành và quốc tế...

Sinh viên Đại học Thái Nguyên tích cực nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào thực tiễn.
Sinh viên Đại học Thái Nguyên tích cực nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào thực tiễn.

Mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo

Cùng với quá trình phát triển, ĐHTN không ngừng mở rộng ngành nghề đào tạo, bậc đào tạo. Hiện nay, Đại học đào tạo 358 ngành, trong đó có 142 ngành đào tạo sau đại học, gồm: 39 ngành tiến sĩ, 70 ngành thạc sĩ, 33 chuyên ngành bác sĩ chuyên khoa.

Quy mô tuyển sinh không ngừng tăng lên: Năm 2023, toàn Đại học tuyển sinh đạt 26.519 người; quy mô đào tạo 70.911 người, trong đó đào tạo sau đại học là 4.037 người... Riêng số học viên của tỉnh Thái Nguyên chiếm khoảng 40% số người học thạc sĩ của vùng.

Với số dân 1,336 triệu người, hiện tỉnh Thái Nguyên có quy mô đào tạo bình quân 599 sinh viên/1 vạn dân; TP. Thái Nguyên, nơi tập trung nhiều trường đại học, đạt bình quân 2.204 sinh viên/1 vạn dân. Trong khi đó, số sinh viên trung bình trên 1 vạn dân của cả nước là 215; Thủ đô Hà Nội là 795 sinh viên/1 vạn dân; TP. Hồ Chí Minh 655 sinh viên/1 vạn dân; khu vực Tây Nguyên 51 sinh viên/1 vạn dân (thấp nhất); trung bình của thế giới là 290 sinh viên/1 vạn dân.

30 năm qua, ĐHTN đã đào tạo, cung cấp cho cả nước khoảng 200.000 cán bộ, trong đó có 32.790 người trình độ thạc sĩ, 268 người trình độ tiến sĩ, 2.111 bác sĩ chuyên khoa cấp I, 513 bác sĩ chuyên khoa cấp II và 122 bác sĩ nội trú. Trong đó, trên 30% số người học tốt nghiệp là người dân tộc thiểu số.

Sự gia tăng về số ngành, quy mô đào tạo, cùng với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đã minh chứng sự phát triển và từng bước khẳng định chất lượng đào tạo, vị thế của ĐHTN.

Cơ sở vật chất của Đại học Thái Nguyên được đầu tư khang trang, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện và nghiên cứu của sinh viên.
Cơ sở vật chất của Đại học Thái Nguyên được đầu tư khang trang, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện và nghiên cứu của sinh viên.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Hợp tác quốc tế là một trong những nhiệm vụ chiến lược hàng đầu của ĐHTN, góp phần phát triển đội ngũ có trình độ cao, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đào tạo và hiện đại hóa cơ sở vật chất.

ĐHTN không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế, thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác trên 120 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế. Đã ký kết 556 thỏa thuận hợp tác; thực hiện 128 chương trình, dự án quốc tế; nhập khẩu 10 chương trình tiên tiến của các nước có nền giáo dục hiện đại trên thế giới; thực hiện 34 chương trình liên kết đào tạo quốc tế; thu hút 51,79 triệu USD đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ cán bộ, thực hiện nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Đến nay, Đại học đã cử 4.070 lượt người đi học tại nước ngoài; đón tiếp 692 lượt giáo sư, tiến sĩ đến giảng dạy và 5.111 lượt sinh viên quốc tế từ hơn 40 quốc gia đến học tập, nghiên cứu và thực tập nghề nghiệp. Đặc biệt, đã có 520 lưu học sinh nước ngoài tốt nghiệp đại học và 187 lưu học sinh tốt nghiệp thạc sĩ tại ĐHTN.

Với tầm nhìn chiến lược, ĐHTN đề ra định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là: Tạo bước chuyển biến căn bản về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế, hướng tới mô hình đại học xanh; phấn đấu trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, nằm trong nhóm 500 trường đại học hàng đầu châu Á, là một trung tâm đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững cộng đồng...

Từ những đóng góp tích cực và thành tích đạt được, ĐHTN đã được Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tặng thưởng: Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 1 Huân chương Hữu nghị của nước CHDCND Lào; 1 Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh Thái Nguyên; nhiều tập thể, cá nhân được nhận danh hiệu, phần thưởng cao quý khác... 

Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập, ĐHTN vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất; 12 tỉnh trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc tặng Bằng khen do có đóng góp trong đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ...