Năm học mới 2024-2025 đã bắt đầu, niềm vui đến lớp, tựu trường lan tỏa đến khắp các bản làng xa xôi. Niềm vui được nhân lên khi các thầy, cô giáo ở những trường vùng sâu, xa không ngại khó khăn đến từng nhà vận động trẻ trong độ tuổi ra lớp, người lớn đi học xóa mù chữ trên tinh thần đâu có dân cư, ở đó có giáo dục.
Lớp học ghép tại Điểm trường Thịnh Mỹ, thuộc Trường Tiểu học Tân Thịnh (Định Hóa). |
Năm học 2024-2025, trên địa bàn toàn tỉnh có 13 lớp học ghép cấp tiểu học với gần 150 học sinh, tập trung trên địa bàn các xã vùng sâu, vùng khó khăn của huyện Định Hóa và Võ Nhai. Bên cạnh đó, các địa phương như: Đại Từ, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa cùng lúc tổ chức 40 lớp dạy học xóa mù chữ và chống tái mù chữ cho gần 500 học viên từ 20 đến 60 tuổi. Khó khăn chính là tổ chức bảo đảm đủ biên chế lớp học, bố trí gần nhất tại các cụm dân cư và thuận lợi cho việc đến lớp, duy trì sĩ số hàng ngày của học sinh.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hoài, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Định Hóa, cho biết: So với các năm học trước, số lớp ghép đã giảm nhiều do mạng lưới giao thông nông thôn phát triển đến các xóm bản vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, nhiều xóm ở xa trường học, nên Ngành đã bố trí các điểm trường cách trường chính từ 7 đến 10km, gần khu dân cư để thuận lợi cho học sinh đến lớp hàng ngày. Năm học này, huyện có 6 lớp ghép, tổ chức tại 4 điểm trường của các trường tiểu học. Ngành Giáo dục huyện đã bố trí lớp học ghép “hai trong một” dành cho học sinh lớp 1 ghép lớp 2; lớp 3 ghép lớp 4.
Lớp học xóa mù chữ được bố trí theo cụm dân cư và tổ chức học vào buổi tối cuối tuần dành cho người lớn. Mỗi lớp thường bố trí từ 2 đến 3 giáo viên các trường tiểu học, hoặc THCS tại địa phương hỗ trợ nhau lên lớp. Do đặc thù đối tượng là người lớn tuổi, với 71 học viên, được tổ chức thành 17 lớp tại các trung tâm văn hóa xã, trong đó gần 50% đã biết chữ, hoặc học hết lớp 2, nên trong lớp học được ghép hai trong một để người biết chữ hỗ trợ người chưa biết chữ.
Và đặc biệt, lớp học mang tính chất tự nguyện, nên hoạt động tổ chức lớp của đội ngũ giáo viên hiện nay cũng trên tinh thần tình nguyện. Chính vì vậy, các thầy, cô giáo trường vùng sâu, xa không ngại khó đến từng nhà động viên, vận động học viên đến lớp mỗi tối cuối tuần, góp phần củng cố thêm tinh thần xây dựng xã hội học tập, tạo điểm tựa tinh thần cho học viên và học sinh an tâm đến trường.
Có mặt tại điểm trường xóm Thịnh Mỹ thuộc Trường Tiểu học Tân Thịnh (Định Hóa) ngay trong ngày đầu năm học mới, chúng tôi thấy lớp học “hai trong một” thật sinh động. Một thầy hai đối tượng học sinh; một phòng học hai bảng đen; một lớp học hai giáo án. Đó là những gì mà thầy giáo Nguyễn Văn Trọng cùng các cô giáo vùng cao hàng ngày vượt núi gần 7km từ trường chính đến điểm trường thực hiện.
Thầy Trọng chia sẻ: Lớp có 10 học sinh, trong đó 4 em năm đầu vào lớp 1, 6 em lên lớp 2. Khó khăn chính là cùng lúc dạy 2 lớp, các em thường bị phân tán tư duy. Nhất là học sinh lớp 1 học ghép, việc rèn nền nếp học tập và luyện chữ sẽ mất nhiều thời gian hơn học sinh lớp trên. Tuy nhiên, thuận lợi là các em đều là người cùng làng, thậm chí cùng gia đình, nên việc hỗ trợ và quán xuyến trong học tập, sinh hoạt tốt, bảo đảm duy trì kế hoạch học tập của Nhà trường.
Còn tại huyện vùng cao Võ Nhai, điều kiện dân cư phân tán, nên huyện đã bố trí học sinh cư trú gần điểm trường nào thì tổ chức lớp ghép tại đó, bảo đảm việc đến lớp học cho học sinh an toàn và không để các em phải nghỉ, bỏ học vì xa trường. Chính vì vậy, huyện đã bố trí 9 lớp ghép tại các điểm trường thuộc cấp tiểu học, dành cho trên 80 học sinh các xóm, bản vùng sâu, vùng xa.
Chia sẻ những khó khăn trong tổ chức lớp học ghép cấp tiểu học, đồng chí Phan Thị Phương, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cho biết: Mặc dù chưa tổ chức được mô hình bán trú ở các điểm trường lẻ và lớp ghép, nhưng các thầy, cô giáo luôn quan tâm chăm lo cho các em học sinh điều kiện tốt nhất để duy trì học 2 buổi/ngày. Giờ nghỉ trưa các thầy, cô giáo ở lại lớp giúp học sinh tổ chức bữa ăn và nghỉ tại lớp học. Một số gia đình gần điểm trường cũng sẵn sàng hỗ trợ củi, bếp để nấu bữa ăn trưa cho các em.
Với quyết tâm không để học sinh vì khó mà bỏ học, nên việc duy trì lớp học ghép và tổ chức điểm trường đến khu dân cư là những nỗ lực lớn của giáo dục vùng sâu, vùng xa. Chính vì vậy, nhiều năm học trở lại đây, các địa phương vùng khó khăn của các huyện miền núi, vùng cao luôn duy trì được kết quả 100% học sinh ra lớp đúng độ tuổi, bảo đảm chất lượng phổ cập giáo dục trong độ tuổi từ cấp tiểu học đến THCS.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin