Chuyện xóa mù chữ ở vùng cao

Trần Nguyên 17:44, 06/02/2024

Màn đêm buông xuống, lớp học ở bản người Mông lại vang lên tiếng đánh vần “ê-a”của bà con xóm núi. Đó là lớp học xóa mù chữ dành cho người dân vùng sâu, vùng xa từ 15 đến 60 tuổi, đang được tổ chức tại huyện Võ Nhai ngay trong những ngày Tết Nguyên đán cận kề.

Cô giáo Nông Thị Luyện, Trường Tiểu học Cúc Đường (Võ Nhai), kèm học viên tập viết tại lớp học xóa mù chữ.
Cô giáo Nông Thị Luyện, Trường Tiểu học Cúc Đường (Võ Nhai), kèm học viên tập viết tại lớp học xóa mù chữ.

Lớp học đặc biệt

Từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, đúng 19 giờ, bất kể mưa phùn, gió bấc, không một tiếng trống, tiếng chuông báo, lớp học xóa mù chữ ở xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai), lại sáng đèn, tập trung đông đủ 45 học viên đến học chữ.

Không phải là lớp học của con trẻ mà là của những người đã làm bố, làm mẹ, thậm chí đã lên chức ông, bà. Học viên của lớp chủ yếu là bà con dân tộc Mông, người nhỏ tuổi nhất là 26 và người lớn tuổi nhất đã gần 60, đa phần là lao động chính trong các gia đình.

Lớp học được tổ chức từ 19 giờ đến 22 giờ, mỗi tối có 4 tiết tiếng Việt, hoặc 4 tiết Toán.

Bà Ngô Thị Sia, học viên cao niên của lớp, năm nay đã 59 tuổi, chia sẻ: Ngày còn trẻ tôi cũng đi học đến lớp 2. Vì nhà xa, lại theo người lớn đi làm nương rẫy nên không kịp về học, thế là nghỉ học luôn. Lâu ngày không viết nên tôi đã quên nhiều. Bây giờ không biết chữ thì không biết cách hướng dẫn làm ăn, đi làm thuê thì không còn đủ sức khỏe... Vì vậy phải học lại, vừa để tự mình tiếp cận kiến thức làm ăn mới, vừa làm gương cho con, cháu.

Tất cả đều rất tự giác và miệt mài học thuộc từng nét chữ và ghép vần. Dù đã là những ngày cuối tháng Chạp, không khí Tết đã rộn ràng, nhưng cả giáo viên và học viên đều tập trung cao độ trên từng trang sách.

Ông Ngô Văn Lù, năm nay bước vào tuổi 60, cũng ẵm cháu theo học, cho biết: Các con được học hành đầy đủ thì đi làm ăn xa, nên gửi cháu lại cho ông, bà chăm. Mình không biết chữ, nên làm gì cũng khó, đến thuốc uống chữa bệnh cũng không biết uống thế nào, nên phải học thôi.

Còn chị Sùng Thị Sinh thì cho con gái đang học lớp 3 giúp mẹ bế em theo kèm mẹ học trên lớp mỗi buổi tối, cũng là dịp để ôn lại bài…

Có thể nói, đây là lớp học đặc biệt, bởi ngoài nhiệm vụ dạy chữ, cô giáo còn học thêm tiếng Mông từ học viên, để thuận lợi trong giao tiếp; đám con trẻ thì kèm cha, mẹ học. Chính vì vậy, không khí lớp học luôn vui vẻ và thoải mái.

Gần 70% học viên là phụ nữ trên 40 tuổi, lâu nay chỉ quen cầm cuốc, cầm dao làm nương rẫy, bàn tay chai cứng theo năm tháng, nên cầm bút rất lóng ngóng. Để lớp không bị gián đoạn, lớp học đã phải tăng cường lên 2 giáo viên hỗ trợ nhau trong suốt quá trình dạy học. Cô giáo Nông Thị Luyện, Trường Tiểu học Cúc Đường, nhận xét: Khó khăn nhất trong việc tổ chức lớp học là khả năng tiếp thu kiến thức không đồng đều, do lứa tuổi và hoàn cảnh gia đình mỗi học viên khác nhau. Đặc biệt, khi luyện viết và phát âm, đánh vần, ghép từ, giáo viên phải hướng dẫn tỉ mỉ từng học viên. Nhưng sự tham gia học nhiệt tình của học viên đã tăng thêm nhiệt huyết cho chúng tôi đứng lớp mỗi tối.

Nhiều học viên ngoài 50 tuổi vẫn nhiệt tình theo học.
Nhiều học viên ngoài 50 tuổi vẫn nhiệt tình theo học.

Xóa mù chữ là xóa đói, giảm nghèo

Lớp học xóa mù chữ này là 1 trong 15 lớp được tổ chức trên địa bàn huyện vùng cao Võ Nhai từ 16/1/2024 và kết thúc vào tháng 12-2025. Đây là một trong những nội dung huyện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Toàn huyện hiện còn gần 1.000 người trong độ tuổi từ 15 đến 60 diện cần được xóa mù chữ.

Khó khăn do nhà xa, chăm con nhỏ… đều được các học viên, giáo viên khắc phục để đến lớp. Chị La Thị Sa ở xóm Làng Giai, xã La Hiên, đã vượt núi gần 6km, đưa chồng đến Nhà văn hóa xóm Mỏ Chì để theo học. Chị tâm sự: Mình học hết lớp 9, chồng không biết chữ, nên trong cuộc sống hàng ngày có lúc thấy mất bình đẳng. Cho chồng đi học để thêm hiểu biết kiến thức làm ăn. Tối về tôi lại giúp chồng ôn bài, nên học rất nhanh.

Có lẽ hơn ai hết, những học viên đang miệt mài đến lớp học đều tự nhận thấy việc học chữ là nhu cầu thiết thực cho bản thân, để không bị lạc hậu trong cộng đồng, nên ai cũng tự giác theo học.

Mục tiêu của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025: Phổ cập giáo dục tiểu học; duy trì 100% đơn vị cấp xã, cấp huyện và tỉnh đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Toàn tỉnh hiện còn hơn 1.900 người cần được xóa mù chữ, thuộc địa bàn 6 huyện (Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Lương, Phú Bình, Đại Từ, Định Hóa).