Nơi dạy chữ, dạy nghề cho học sinh miền núi

Trinh An 08:42, 12/04/2024

Sau 3 năm học, khi tốt nghiệp, học sinh được nhận cùng lúc bằng trung học phổ thông (THPT) và trung cấp nghề. Đó là nhiệm vụ “hai trong một” đang được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Định Hóa triển khai nhằm phân luồng học sinh, tạo nguồn nhân lực cho thị trường lao động.

Học sinh lớp 10 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Định Hóa học nghề điện dân dụng.
Học sinh lớp 10 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Định Hóa học nghề điện dân dụng.

Là mô hình kết hợp giữa giáo dục thường xuyên, dạy nghề phổ thông với dạy nghề xã hội nên tính chất hoạt động được tích hợp sự phạm nghề và sư phạm giáo dục. Chính vì vậy, môi trường dạy và học luôn song hành điều kiện rèn luyện thầy, thợ mẫu mực.

Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Định Hóa, chia sẻ: Học sinh của Trung tâm đa phần có hoàn cảnh khó khăn, 80% là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, đi lại khó khăn, việc học tập và thực hành cũng có những đặc thù riêng. Hoạt động dạy học văn hóa thì theo chương trình giáo dục THPT, còn dạy nghề thì phải vận dụng các ngành nghề phù hợp với điều kiện của địa phương.

Ví dụ như khi vào học lớp 10, hầu hết học sinh đều đăng ký các nghề liên quan đến sản xuất nông, lâm nghiệp. Với các nghề cơ khí, điện, điện tử, máy tính, dịch vụ du lịch…, các em đều tỏ ra bỡ ngỡ. Do đó, Trung tâm GDNN-GDTX huyện dành thời gian để đến các địa phương tư vấn, định hướng nghề ngay từ khi học sinh học cuối cấp trung học cơ sở (THCS).

Khác với các trường THPT, đa số học sinh vào lớp 10 có điểm tuyển sinh thấp hơn các trường công lập, nên khi vào học, Trung tâm thực hiện cùng lúc ba nhiệm vụ là ôn lại, bổ sung kiến thức cuối cấp THCS; dạy học theo chương trình THPT và dạy nghề. Riêng đối với khối lớp 12, vấn đề phụ đạo, bổ trợ kiến thức cho học sinh được các giáo viên thực hiện xuyên suốt năm học theo thời khóa biểu riêng.

Để duy trì tốt hoạt động dạy và học xuyên suốt năm học, Trung tâm luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên đảm bảo đủ tiêu chuẩn và trách nhiệm rèn cho học sinh thông thạo nghề. Hiện nay, 100% cán bộ quản lý, giáo viên của Trung tâm đều đạt chuẩn, trên chuẩn chức danh nghề nghiệp và vị trí việc làm.

Từ sự nỗ lực liên tục ấy, 3 năm học gần đây (từ năm học 2020-2021 đến nay), Trung tâm GDNN-GDTX huyện Định Hóa duy trì được lưu lượng từ 300-500 học sinh. Trong đó, hằng năm duy trì 95% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT và trung cấp nghề; có trên 20% học sinh tốt nghiệp chuyển liên thông học hệ cao đẳng, đại học. Học sinh học nghề được cấp bằng trung cấp, sau khi tốt nghiệp THPT đi làm ngay chiếm gần 60%.

Em Ma Đức Công (xã Đồng Thịnh), học sinh lớp 11, chia sẻ: Khi không đủ điểm vào học lớp 10 các trường THPT trên địa bàn, đã có thời điểm, em không xác định được phương hướng và tính thôi học. Nhưng khi đến Trung tâm học chương trình phổ thông, em được tư vấn học nghề điện và đến nay em đã biết sửa chữa nhỏ trên các máy nông nghiệp, thiết bị điện, lắp đặt điện an toàn trong gia đình. Hy vọng sau khi học xong, em sẽ có nhiều cơ hội làm việc ngay tại địa phương.

Còn em Nông Thanh Tứ (xã Trung Lương), mới học lớp 10 nhưng đã theo học nghề công nghệ máy tính. Tứ đặt mục tiêu sau này học xong sẽ làm “bác sĩ” xử lý sự cố máy tính và kết hợp các bạn đồng môn thành lập nhóm sửa chữa, khắc phục sự cố máy tính…

Cùng với hoạt động dạy và học khối phổ thông hệ thường xuyên, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Định Hóa còn thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề bậc sơ cấp cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện, gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Từ năm 2021 đến nay, mỗi năm Trung tâm tổ chức đào tạo nghề cho 200-250 học viên, với các nghề: thú y; chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng và chế biến chè xanh, chè đen; sản xuất rau hữu cơ; sửa chữa máy nông nghiệp; cơ khí...  Việc dạy văn hóa kết hợp dạy nghề tại Trung tâm được xem là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả phân luồng học sinh sau THCS, giúp các em có được hai bằng sau khi tốt nghiệp. Qua đó từng bước đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở phương; tạo điều kiện để nhiều lao động nông thôn có được việc làm ổn định tại chỗ.