Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Phạm Ngọc Chuẩn 09:26, 07/11/2023

Hơn 80% số học sinh, sinh viên (HSSV) có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Nhiều vị trí việc làm khó trong doanh nghiệp được người học đáp ứng yêu cầu mà không phải đào tạo lại. Điều này khẳng định chất lượng đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đại Từ chia sẻ kiến thức về máy nông nghiệp cho học viên. Ảnh: T.L
Giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đại Từ chia sẻ kiến thức về máy nông nghiệp cho học viên. Ảnh: T.L

Những năm gần đây, tỉnh đã có nhiều quan tâm hơn đến chất lượng công tác GDNN. Minh chứng là việc tỉnh chỉ đạo sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở GDNN; kiên quyết tạm dừng, đình chỉ các cơ sở hoạt động kém hiệu quả. Từ năm 2012 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) trực tiếp ra thông báo tạm dừng hoạt động GDNN, hoặc ban hành quyết định đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở GDNN kém chất lượng, được dư luận đồng tình ủng hộ.

Nếu như trước năm 2012, trên địa bàn tỉnh có 53 cơ sở dạy nghề (sau đổi thành cơ sở GDNN), gồm 4 trường cao đẳng, 9 trường trung cấp, 23 trung tâm dạy nghề và 17 cơ sở đào tạo có đăng ký hoạt động dạy nghề, thì đến cuối năm 2022, còn 35 cơ sở GDNN, gồm: 11 trường cao đẳng, 9 trường trung cấp, 10 trung tâm GDNN và 5 cơ sở khác có hoạt động GDNN; giảm 18 cơ sở, trong đó hệ cao đẳng tăng 7 trường, trung tâm GDNN giảm 13 cơ sở và giảm 12 cơ sở khác có hoạt động GDNN. Tuy nhiên, tổng quy mô đào tạo tăng, từ 35.000 HSSV/năm lên 40.000 HSSV/năm.

Đặc biệt từ tháng 10-2022, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về Kế hoạch phát triển GDNN giai đoạn 2022-2025. Mục tiêu Kế hoạch đề ra đến năm 2025 là bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ Quốc gia và các nước ASEAN 4; hướng đến việc nâng tỷ lệ lao động của tỉnh qua đào tạo đạt 75%, trong đó 32% số lao động có bằng cấp, chứng chỉ.

Cũng theo Kế hoạch, đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh ít nhất 30% số cơ sở GDNN, có 50% số chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; 100% giáo viên dạy nghề đạt chuẩn. 80% tổng số ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ Quốc gia.

Mô hình buồng ối trong kỹ thuật tia ối, bấm ối (thiết bị tự làm) được Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên sử dụng phục vụ công tác đào tạo.
Mô hình buồng ối trong kỹ thuật tia ối, bấm ối (thiết bị tự làm) được Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên sử dụng phục vụ công tác đào tạo.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch nêu trên, Sở LĐTB-XH đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn cho các cơ sở GDNN thực hiện nghiêm những quy định về tiêu chuẩn đội ngũ nhà giáo. Trong đó tập trung rà soát các tiêu chí; tổ chức lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng dạy học; bồi dưỡng phát triển chương trình đào tạo; bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và tư vấn đào tạo nghề, tư vấn việc làm; bồi dưỡng quản lý và tư vấn đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Đồng thời, ban hành kịp thời văn bản hướng dẫn cho các cơ sở GDNN xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình dạy nghề; công tác xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, giáo trình trong đào tạo; quy định khối lượng kiến thức, kỹ năng tối thiểu và yêu cầu năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp. Qua kiểm tra, 100% các cơ sở GDNN thực hiện đảm bảo đạt yêu cầu.

Theo chỉ đạo, hướng dẫn của ngành, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã tích cực tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung chương trình, giáo trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Chất lượng GDNN được nâng cao, ngoài ý nghĩa bảo đảm đủ nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động, còn làm thay đổi năng lực tư duy sản xuất cho đội ngũ lao động trẻ, từng bước tạo nên một thế hệ lao động sáng tạo, có kiến thức, kỹ năng nghề, có tác phong công nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, phù hợp với thời đại số hóa...