Người bảo tồn chữ Nôm - Dao ở Hợp Tiến

Trần Nguyên 15:04, 08/04/2024

Chữ Nôm - Dao (chữ Nôm của dân tộc Dao) gắn liền với các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Dao, được đồng bào sử dụng trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, thơ ca và các văn tự quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, người biết đọc, biết viết chữ Nôm - Dao không còn nhiều, chủ yếu là lớp người cao tuổi. Trăn trở trước thực trạng đó, một nghệ nhân ở xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) đã tìm hiểu và mở lớp dạy chữ Nôm - Dao cho bà con địa phương, góp phần lưu giữ và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc.

Lớp dạy chữ Nôm - Dao do ông Triệu Văn Thuận tổ chức tại xóm Mỏ Sắt, xã Hợp Tiến.
Lớp dạy chữ Nôm - Dao do ông Triệu Văn Thuận tổ chức tại xóm Mỏ Sắt, xã Hợp Tiến.

Tận dụng gian nhà tạm đằng sau nơi ở của mình, từ năm 2019, ông Triệu Văn Thuận cùng một số nghệ nhân ở xã Hợp Tiến đã mở lớp truyền dạy chữ Nôm - Dao cho người dân địa phương. Tham gia truyền dạy ở lớp học này là những nghệ nhân có am hiểu về chữ Nôm - Dao, đang trực tiếp tham gia chủ trì các nghi lễ sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống của người Dao ở địa phương. Tài liệu giảng dạy được những người phụ trách lớp học tham khảo từ bộ sách dạy và học chữ Nôm - Dao do Trung tâm Vì sự phát triển bền vững miền núi thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam cung cấp. Trong 3 tháng học tập, học viên được truyền dạy theo phương pháp làm quen với mặt chữ và phát âm trước, sau đó sẽ tập viết.

Vì là lớp học tự nguyện nên các học viên tự đóng kinh phí để trang trải cho những việc cần thiết phục vụ việc dạy và học. Đây cũng là lớp học chữ Nôm - Dao đầu tiên ở Hợp Tiến, nơi có tới 70% dân số là người Dao với những đặc trưng tiêu biểu của vùng văn hóa dân tộc Dao ở Thái Nguyên. Việc mở lớp không chỉ để mọi người hiểu về ngôn ngữ, chữ viết, văn hóa người Dao, góp phần giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc, mà còn giúp mọi người hiểu về nhân nghĩa, gìn giữ nếp sống, phong tục tập quán đẹp của dân tộc mình. Khi các học viên đọc thông, viết thạo chữ Nôm - Dao thì có thể tự đọc, tự ôn luyện những quyển sách cổ dùng trong những lễ nghi truyền thống của dân tộc.

Ông Triệu Văn Thuận dành nhiều thời gian đến các hộ trong cộng đồng dân tộc Dao tìm hiểu về các ý nghĩa trong từng con chữ Nôm.
Ông Triệu Văn Thuận dành nhiều thời gian đến các hộ trong cộng đồng dân tộc Dao tìm hiểu về các ý nghĩa trong từng con chữ Nôm.

Ông Thuận cho biết: Năm 1999, tôi theo học lớp bảo tồn các nghi lễ và học thuộc 214 bộ thủ của chữ Nôm - Dao. Đến năm 2021, tôi mở lớp truyền dạy chữ cho người dân trong xã, với 3 lớp tập trung, thu hút gần 100 người. Từ năm 2022, đến nay, do việc tập trung người học không thường xuyên, nên tôi đã chuyển sang hình thức dạy trực tuyến, hoặc xây dựng các video theo bài dạy rồi gửi và tương tác với học viên qua zalo, messenger, hoặc tổ chức dạy học theo nhóm ngay tại các cụm dân cư. Theo tôi, muốn bảo tồn được ngôn ngữ và chữ viết của đồng bào dân tộc Dao phải thường xuyên học đi đôi với thực hành

Với người Dao có nghi lễ cấp sắc là rất quan trọng. Trong bộ văn tự làm lễ cấp sắc là một hệ thống giáo lý răn dạy đạo lý đối với người đàn ông trưởng thành. Nếu chưa được cấp sắc thì dù sống tới già người đàn ông vẫn bị coi là chưa trưởng thành. Như vậy đồng nghĩa với việc không được tham gia, hay quyết sách các công việc hệ trọng trong cộng đồng. Người Dao quan niệm, chỉ người đã thụ lễ mới có đủ tâm, đức để phân biệt phải, trái. Ngoài ra, khi thực hiện các nghi lễ, thầy cúng còn phải viết được sớ cho người được cấp sắc. Do đó, thầy cúng bắt buộc phải đọc và viết được chữ Nôm - Dao. Người thụ lễ biết chữ Nôm -Dao thì càng thuận, vì có thể tự viết và nói được những điều bản thân phải làm, phải tuân thủ trước tổ tiên, trước cộng đồng, như một bài tuyên thệ.

Để làm giầu thêm kiến thức và phong phú về giá trị văn hoá, hàng năm, ông Thuận vẫn tự đến các huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá, Quảng Ninh, nơi có cộng đồng dân tộc Dao sinh sống tập trung lâu đời còn giữ được các sinh hoạt văn hoá cộng đồng truyền thống để sưu tầm. Hiện nay, ông Thuận và các cộng sự trong xã đã được một số địa phương của tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Lào Cai… mời thực dạy về phương pháp và trao truyền một số kinh nghiệm trong tổ chức dạy chữ Nôm - Dao.   

Sự cần mẫn, kiên trì của ông Thuận cùng cộng đồng dân tộc Dao trong việc bảo tồn, truyền dạy chữ viết Nôm - Dao trong những năm qua đã có sức lan toả mạnh mẽ trong việc phát huy những giá trị văn hoá của dân tộc Dao. Tháng 2-2024, danh mục Tiếng nói, chữ Nôm của dân tộc Dao tỉnh Thái Nguyên đã vinh dự được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Tâm huyết bảo tồn vốn văn hóa dân tộc của cả người truyền dạy và người học như ở lớp chữ Nôm - Dao của xã Hợp Tiến đang làm sinh động thêm những giá trị của di sản trong đời sống đương đại, là điều đáng trân trọng và cần được phát huy trong cộng đồng.