Còn khoảng 20 ngày nữa học sinh khối 12 bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Kết quả thi tốt nghiệp là một trong những điều kiện để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) sẽ tổ chức xét tuyển đại học sớm. Cùng với các trường trong cả nước, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đang hoàn thiện đề án tuyển sinh (TS) với nhiều phương thức TS nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.
Nhiều học sinh lớp 12 đã đến bộ phận tuyển sinh của Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên để tìm hiểu về ngành học và các phương thức tuyển sinh năm 2023. |
Năm 2023, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông tuyển 2.500 chỉ tiêu với 3 phương thức xét tuyển đại học chính quy là: Xét tuyển theo kết quả học bạ THPT; Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT; Tuyển thẳng thí sinh theo quy chế của Bộ GDĐT. Trường tuyển 3 chương trình đào tạo chất lượng cao và 21 chương trình đào tạo đại trà. Ngoài những chương trình đào tạo truyền thống, năm nay Trường sẽ mở thêm một số ngành mới có tính hội nhập cao và đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp FDI.
Theo PGS.TS Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông: Ngoài việc mở rộng các chương trình đào tạo mới, năm nay 24 chương trình đào tạo cơ bản đều tăng chỉ tiêu TS. Tất cả các chương trình đào tạo được nhiều người học quan tâm như Công nghệ thông tin; Kỹ thuật phần mềm; Thương mại điện tử; Marketing số; Thiết kế đồ họa; Truyền thông đa phương tiện… đều được tăng chỉ tiêu so với những năm trước.
Theo Đề án tuyển sinh đại học năm 2023, Trường Đại học Y-Dược TS 7 ngành đại học chính quy với tổng chỉ tiêu 1.282. Trường có các phương thức xét tuyển chủ yếu gồm: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ); xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh; xét tuyển sớm theo kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội; xét tuyển theo Đề án của Trường; phương thức xét tuyển khác (xét tuyển dự bị đại học và lưu học sinh nước ngoài).
Theo kết quả trúng tuyển của 2 năm gần đây, điểm trúng tuyển tương đối cao, thấp nhất là ngành Hộ sinh 19,15 điểm, còn trung bình đều từ 24 đến 25 điểm, cao nhất là hai ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt đều có ngưỡng 26,20 điểm.
Với 5 ngành và 12 chương trình đào tạo, năm 2023 Trường Ngoại ngữ ĐHTN được giao chỉ tiêu TS 750 sinh viên. Theo TS. Lê Hồng Thắng, Hiệu trưởng Trường Ngoại ngữ: Trường đang xúc tiến triển khai để mở mới một số ngành đào tạo, trong đó có tiếng Hàn, tiếng Nhật. Tuy nhiên, các ngành đào tạo đó, mặc dù nhu cầu xã hội rất cao, nhưng để mở được mới cần phải đáp ứng một loạt yêu cầu theo quy định của Bộ GDĐT.
Ngành Truyền thông đa phương tiện là một trong những ngành học "hót" thu hút nhiều học sinh đăng ký tuyển vào Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (ĐHTN). |
Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục đại học ngày càng lớn, song với sự chủ động, linh hoạt, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông và tư vấn TS đa dạng, quy mô đào tạo các trình độ và loại hình đào tạo của ĐHTN tăng hơn 4.000 sinh viên so với năm 2021. Tổng số thí sinh trúng tuyển vào ĐHTN là 11.961 (trong đó có 10.752 sinh viên hệ đại học, 1.076 cao đẳng và trung cấp 133 học sinh), đạt 76,45% chỉ tiêu.
Năm 2023, ĐHTN TS 133 ngành đào tạo trình độ đại học với 14.600 chỉ tiêu và 21 ngành đào tạo trình độ cao đẳng với 1.130 chỉ tiêu. ĐHTN thực hiện TS theo 6 phương thức; dự kiến mở mới một số ngành đáp ứng nhu cầu của xã hội và phù hợp với sứ mạng phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của khu vực trung du, miền núi phía Bắc, cụ thể là ngành Quản trị nhân lực (Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh); ngành Ngôn ngữ và Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam (Trường Đại học Khoa học).
Ngoài ra, các ngành đào tạo như ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông… dự kiến sẽ tăng chỉ tiêu. Các chính sách ưu tiên như miễn lệ phí ký túc xá; học bổng; giảm học phí cũng sẽ được nhiều trường áp dụng.
ĐHTN cũng đã và đang chỉ đạo các trường thành viên hoàn tất đề án TS và các điều kiện cần thiết sẵn sàng cho việc xét tuyển theo quan điểm giảm tổ hợp xét tuyển để tạo điều kiện thuận lợi cho người học.
PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc ĐHTN, cho biết thêm: Nhiều trường những năm trước TS rất tốt như Trường Đại học Y-Dược, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông; Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp… Tuy nhiên, ở một số trường, một số ngành đào tạo kết quả TS không được như mong muốn, đặc biệt là các khối ngành nông, lâm nghiệp. Chủ trương của ĐHTN trong công tác TS năm 2023 là không giảm điểm để TS đạt chỉ tiêu. Chúng tôi xác định sinh viên đầu vào phải có điểm tối thiểu, đạt điều kiện thì mới tuyển.
Nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh, trong kỳ tuyển sinh năm nay, Bộ GDT không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học của thí sinh. Các nguyện vọng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới.
Như năm trước, trong thời gian đăng ký xét tuyển, thí sinh vẫn được điều chỉnh nguyện vọng sao cho phù hợp với năng lực, cũng như để tăng cơ hội trúng tuyển tốt nhất. Tuy nhiên, phải sau khi thí sinh hoàn thành và có kết quả thi tốt nghiệp THPT, khi hệ thống hỗ trợ TS chung của Bộ GDĐT mở, thí sinh mới đăng ký nguyện vọng chính thức trên hệ thống này, bao gồm cả nguyện vọng đã được các cơ sở thông báo trúng tuyển tạm thời, nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT… và sắp xếp các nguyện vọng đó theo thứ tự ưu tiên.
Vì vậy, các thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án TS của từng trường, từ đó sẽ làm tăng cơ hội xét tuyển theo các phương thức đối với từng ngành học.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin