Thông tin đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, nhất là phụ huynh có con ở độ tuổi học trung học cơ sở là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo “tuýt còi” các địa phương sử dụng chứng chỉ tiếng Anh IELTS để tuyển thẳng học sinh vào lớp 10.
Các thí sinh tham dự kỳ thi tuyển vào lớp 10 năm học 2023-2024. |
Tối 23-2, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo, phê duyệt, thực hiện đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế tuyển sinh. Văn bản này xuất phát từ thực tế một số địa phương đã và đang chưa thực hiện quy định chung, cụ thể như có tỉnh áp dụng chế độ tuyển thẳng hoặc ưu tiên cộng điểm cho học sinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh hoặc có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS…
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương thực hiện tuyển sinh đúng quy định tại Văn bản hợp nhất Thông tư số 03/VBHN-BGDĐT ngày 3-5-2019 ban hành quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Mặc dù Thông tư số 03/VBHN-BGDĐT được ban hành từ năm 2019, nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều người nắm rõ, nội dung về chế độ tuyển thẳng, chế độ ưu tiên tại văn bản này quy định cụ thể ra sao?
Điều 7 của Thông tư số 03/VBHN-BGDĐT nêu rõ: Tuyển thẳng vào trung học phổ thông với 4 đối tượng: Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú; học sinh là người dân tộc rất ít người; học sinh khuyết tật; học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Với trường hợp được cộng điểm ưu tiên, Bộ quy định rõ ba nhóm gồm: Con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh; con của Anh hùng Lực lượng vũ trang, con của Anh hùng Lao động; học sinh là con có cha hoăc mẹ là người dân tộc thiểu số, học sinh đang sinh sống, học tập ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Từ quy định nêu trên, có thể thấy rõ việc các địa phương áp dụng quy định tuyển thẳng hoặc cộng điểm ưu tiên vào lớp 10 cho học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh hoặc có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là không đúng quy định.
Hai ngày sau khi có văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo một số Sở Giáo dục và Đào tạo như: Quảng Trị, Nghệ An, Tuyên Quang, Lào Cai, Bình Dương, Vĩnh Long… đã thông tin sẽ rà soát, điều chỉnh kế hoạch, phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 vì đã thông báo về việc cộng điểm hoặc tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS.
Tuy nhiên, tại sao việc này lại có ý kiến trái chiều? Theo lý giải từ một số cán bộ quản lý, việc ưu tiên cho học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế vào lớp 10 giúp giảm áp lực thi cử, tạo động lực học ngoại ngữ ở địa phương, nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh ở các trường trung học cơ sở. Nhiều phụ huynh, học sinh cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi Bộ Giáo dục và Đào tạo không cho phép sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để được tuyển thẳng hoặc cộng điểm ưu tiên vào lớp 10.
Thực tế, việc dùng IELTS nói riêng và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để tuyển sinh vào trung học phổ thông đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều từ nhiều năm qua, nhất là việc bảo đảm công bằng giữa học sinh ở các vùng, miền. Bởi việc cộng điểm, xét tuyển thẳng với học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thực sự không công bằng với những em ở địa bàn khó khăn, chưa có điều kiện học tập ngoại ngữ thuận lợi. Vì thế, ý kiến của phần lớn người dân và nhà giáo, phụ huynh ủng hộ “lệnh cấm” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Có con đang học lớp 9, bà Nguyễn Thị Hoài Anh, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi (quận Ba Đình) phản đối quy định này và cho rằng tiếng Anh chỉ là một ngôn ngữ. Bài thi IELTS chưa đủ để phản ánh chất lượng toàn diện cũng như nền tảng kiến thức của học sinh ở tất cả các môn học. Trong khi đó, giáo dục trung học cơ sở là nền tảng để học sinh phát triển toàn diện.
Nhiều ý kiến cũng băn khoăn khi các trường trung học phổ thông tư thục trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thông báo cộng điểm ưu tiên cho học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ hoặc có giải thưởng cấp tỉnh thì có sai quy định hay không. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các trường này được tự chủ trong tuyển sinh, song phải báo cáo và được Sở phê duyệt về kế hoạch, phương án.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin