Ý thức của một số người dân và nhiều người tham gia giao thông còn kém tạo ra nguy cơ thường trực gây mất an toàn giao thông (ATGT) trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (Quốc lộ 3 mới). Thêm vào đó, sau một số năm khai thác, mặt đường đã xuống cấp nên cũng tiềm ẩn mất an toàn cho phương tiện lưu thông. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, có cả những vụ tai nạn nghiêm trọng trên tuyến đường này.
Những clip người tham gia giao thông vi phạm trên tuyến Cao tốc Hà Hội - Thái Nguyên liên tục được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhiều trang mạng xã hội cho thấy tình trạng này đã và vẫn phổ biến khiến dư luận bức xúc. Làm việc với chúng tôi, đại diện Chi cục Quản lý đường bộ I.4 (thuộc Cục Quản lý đường bộ I), đơn vị được giao quản lý phần lớn tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng công trình giao thông Bắc Nam (Công ty Bắc Nam), nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường đã cung cấp nhiều clip, ảnh chụp người và phương tiện vi phạm Luật Giao thông. Đó là những hành vi lùi xe trên cao tốc, đi ngược chiều, ngang nhiên dừng đỗ xe để đón, trả khách, phá rỡ rào bảo vệ, lấn chiếm hành lang, phổ biến nhất là tình trạng xe máy đi vào đường cao tốc…
Ngoài những vi phạm này, theo anh Phạm Ngọc Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bắc Nam, tại một số khu vực, đặc biệt là nút giao Thịnh Đán và nút giao Yên Bình thường có nhiều người làm nghề xe ôm “nhào” ra đường bắt khách mỗi khi có xe khách dừng đỗ. Đây là thực trạng nhức nhối mà chính quyền và các cơ quan chức năng chưa thể ngăn chặn triệt để. Tình trạng xe có dấu hiệu quá tải trọng khá phổ biến (nhất là trên đoạn thuộc địa phận Thái Nguyên) do không được kiểm soát chặt khiến mặt đường nhanh xuống cấp. Nhiều lái xe tải không che chắn cẩn thận, để vật liệu rơi vãi ra đường cũng tạo nguy cơ mất an toàn và vất vả cho lực lượng quản lý, vệ sinh mặt đường. Tuần nào, Công ty cũng ghi nhận, tổng hợp các trường hợp vi phạm, đề nghị cơ quan chức năng xử lý nhưng vi phạm chưa giảm. Nhiều trường hợp cố tình vi phạm, bị nhắc nhở, lập biên bản xử lý rồi lại tái phạm. Hiện nay, Công ty phải bố trí tới 150 người làm nhiệm vụ quản lý, bảo dưỡng thường xuyên và điều tiết giao thông trên tuyến.
Ý thức của không ít người tham gia giao thông còn kém là nguy cơ thường trực dẫn đến tai nạn giao thông trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Cùng với đó, thực trạng mặt đường đã xuống cấp cũng tạo ra nguy cơ mất an toàn. Theo ghi nhận của chúng tôi, mặt đường tại một số vị trí đã bị lún khá sâu tạo thành những rãnh, “luống” gây nguy hiểm cho xe chạy ở tốc độ cao, nhất là vào đêm tối hoặc khi xe chuyển làn. Được biết, đến nay sau gần 6 năm thông xe kỹ thuật, tuyến đường này vẫn chưa được bàn giao, đang trong thời gian bảo hành. Đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án II thuộc Bộ Giao thông - Vận tải đã yêu cầu các nhà thầu thảm và sơn lại mặt đường những chỗ bị xuống cấp nghiêm trọng nhất, tuy nhiên khối lượng công việc còn khá lớn.
Từ những nguyên nhân chủ yếu này, đặc biệt là do ý thức kém của không ít người tham gia giao thông nên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, trong đó có những vụ tai nạn rất nghiêm trọng. Theo thống kê của Chi cục Quản lý đường bộ I.4, chỉ từ tháng 10-2018 đến nay (thời điểm đơn vị này bắt đầu nhận bàn giao quản lý tuyến đường), trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đoạn qua địa phận tỉnh Thái Nguyên dài gần 40km đã xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông làm bị thương 23 người và hư hỏng nhiều phương tiện (chưa tính các sự cố giao thông ảnh hưởng đến lưu thông bình thường trên tuyến).
Thực trạng đó đòi hỏi các cấp, ngành chức năng cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa để đảm bảo ATGT trên tuyến đường huyết mạch này. Ông Vũ Tuấn Anh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ I.4 cho biết: Chi cục đã đề nghị Cục Quản lý đường bộ I đôn đốc Ban Quản lý dự án II chỉ đạo các nhà thầu tập trung sửa chữa, bảo hành dứt điểm những vị trí mặt đường bị lún, bị hư hỏng nhằm đảm bảo ATGT. Để hạn chế tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông trên tuyến đang diễn ra khá phức tạp, chúng tôi đề xuất đặt trạm kiểm soát tải trọng xe tại nút giao Yên Bình hoặc nút giao Tân lập. Cùng với đó, chúng tôi đề nghị các địa phương liên quan cần tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm hành lang đường bộ, vì có nơi để vi phạm lặp đi lặp lại do xử lý thiếu kiên quyết.
Xét cho cùng, ý thức của người tham gia giao thông vẫn luôn là yếu tố quyết định đảm bảo an toàn. Vì vậy, công tác tuyên tuyên truyền cần được quan tâm hơn nữa đồng thời với việc xử phạt nghiêm minh, lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm.