Năm 2022, mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư hoàn thiện, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ hạ tầng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông được Sở Giao thông Vận tải triển khai đồng bộ và đạt kết quả cao.
Bằng nguồn vốn được phân bổ, Sở Giao thông Vận tải đã đầu tư cải tạo, sửa chữa mặt đường tại một số đoạn bị xuống cấp trên tuyến Quốc lộ 17. |
Những năm qua, hạ tầng giao thông Thái Nguyên đã có bước phát triển mạnh mẽ ở cả 2 lĩnh vực “đối nội” và “đối ngoại”, giúp nhân dân đi lại thuận tiện, thúc đẩy kết nối, thông thương giữa tỉnh với nhiều vùng kinh tế năng động của đất nước.
Trong đó, có các tuyến giao thông huyết mạnh như cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần quan trọng giảm áp lực phương tiện cho tuyến Quốc lộ 3 cũ, rút ngắn thời gian đi lại, khoảng cách giữa Thái Nguyên - Hà Nội. Đặc biệt, Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên còn kết nối với các tuyến giao thông đến những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế mạnh, như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh… Ngoài ra, tuyến đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội kết nối Thái Nguyên - Bắc Giang, Thái Nguyên - Vĩnh Phúc được triển khai giai đoạn 1, với tổng số vốn gần 1.000 tỷ đồng. Hiện nay, Dự án đã được hoàn thành, giúp kết nối giữa Khu Công nghiệp Yên Bình với Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phú Bình (đã phê duyệt quy hoạch)...
Còn với mạng lưới giao thông “đối nội”, đến nay, toàn tỉnh có 20 tuyến, với tổng chiểu dài gần 400km. Trong đó, có một số tuyến tỉnh lộ mới được nâng cấp, như: ĐT.273 (Hóa Thượng - Hòa Bình); ĐT.263 (thị trấn Đu - Phú Lạc); ĐT.269D (Tràng Xá - Linh Nham); đường An Khánh - Phúc Hà; đầu tư nâng cấp ĐT.269 thành Quốc lộ 17, Linh Nham - Yên Thế (Bắc Giang).
Bên cạnh đó, Thái Nguyên đã và đang triển khai hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển phát triển kinh tế - xã hội. Bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB), TP. Thái Nguyên triển khai xây dựng đường Việt Bắc nối tạo trục Bắc - Nam của thành phố và tuyến đường Đồng Bẩm - Linh Sơn - Huống Thượng nối đường Xuân Hòa, thuộc Dự án phát triển đô thị động lực, với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, tuyến đường Bắc Sơn kéo dài cũng được Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đầu tư, với tổng số vốn hơn 2.000 tỷ đồng, theo hình thức đối tác công tư (PPP) - Hợp đồng BT…
Riêng trong năm 2022, Thái Nguyên chính thức khởi công tuyến xây dựng tuyến đường liên kết vùng Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc có chiều dài hơn 40km, với tổng mức đầu tư hơn 3.780 tỷ đồng. Đây là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, khi hoàn thành sẽ giúp kết Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc, những địa phương nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội, có tốc độ phát triển mạnh và khai thắc tiềm năng thế mạnh về du lịch của Khu du lịch trọng điểm Quốc gia hồ Núi Cốc và Khu di tích lịch sử Quốc gia ATK Định Hóa.
Lực lượng Thanh tra Giao thông kiểm tra trọng tải trên Quốc lộ 37. |
Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, với phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm", hàng nghìn km đường giao thông nông thôn được đổ bê tông. Qua đó, giúp người dân ở nông thôn, vùng sâu đi lại thuận tiện, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Cùng với đầu tư xây dựng mới các tuyến đường, những năm qua, Sở Giao thông Vận tải đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn được phân bổ để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường được giao quản lý, ủy thác quản lý.
Riêng trong năm 2022, bằng nguồn vốn được phân bổ từ Trung ương và tỉnh (80 tỷ đồng), Sở Giao thông Vận tải đã lập kế hoạch và triển khai 10 dự án sửa chữa, cải tạo các tuyến đường xuống cấp, như: thảm nhựa lại mặt đường xuống cấp trên Quốc lộ 17; Quốc lộ 37, đoạn qua huyện Phú Bình; Quốc lộ 1B, đoạn qua huyện Võ Nhai và sửa chữa, mở rộng một số cầu trên Quốc lộ 37…
Đặc biệt, trong năm, lực lượng Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với các lực lượng khác đồng loạt ra quân xử lý triệt để tình trạng xe “quá khổ, quá tải”. Ông Ngô Thanh Tùng, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, cho biết: Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Giao thông đã xử phạt hơn 200 trường hợp xe vi phạm trọng tải và tự ý thay đổi kích cỡ thành thùng. Cùng với đó, Thanh tra Sở cũng tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật của các đơn vị kinh doanh vận tải. Qua đó, tình trạng xe “quá khổ, quá tải” đã cơ bản được xử lý triệt để. Việc xử lý nghiêm xe quá tải nhằm góp phần bảo vệ hạ tầng giao thông tốt hơn.
Năm 2022, Sở Giao thông Vận tải đã hoàn thành 9/9 chỉ tiêu đề ra, trong đó, có 4/9 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Công tác cải cách hành chính; kiểm soát thủ tục hành chính; phổ biến, giáo dục pháp luật; ứng dụng công nghệ thông tin; phòng, chống tham nhũng; thanh tra... đều hoàn thành 100% kế hoạch. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin