Giao thông đi trước để thúc đẩy phát triển

Hải Hằng 18:28, 24/01/2023

Thời gian qua, huyện Đại Từ đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường trên địa bàn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông từng bước được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025.

Tuyến đường liên kết vùng kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc đoạn qua địa bàn huyện Đại Từ đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.
Tuyến đường liên kết vùng kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc đoạn qua địa bàn huyện Đại Từ đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Khi lòng dân vững niềm tin

Với quan điểm “giao thông đi trước một bước” trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, huyện Đại Từ đã dồn sức đầu tư phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn.

Xác định sự đồng thuận của nhân dân là nhân tố quan trọng, huyện tích cực tuyên truyền đến bà con về lợi ích của việc xây dựng đường giao thông. Quá trình triển khai thực hiện các dự án xây dựng, nâng cấp, cải tạo đường giao thông được thực hiện công khai, minh bạch, rõ ràng, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và hưởng lợi”. Nhờ đó, tư tưởng, nhận thức của bà con được nâng lên, luôn tin tưởng và ủng hộ chủ trương làm đường. Các hộ thuộc diện cần giải phóng mặt bằng (GPMB) để thi công các tuyến đường đều đồng tình, ủng hộ chủ trương thu hồi đất làm đường, đồng thời sẵn sàng hiến đất để triển khai các dự án giao thông không có kinh phí bồi thường GPMB. 

Tuyến đường liên xã Phúc Lương (Đại Từ) - Hợp Thành (Phú Lương) được khởi công từ tháng 8-2022 trong sự háo hức mong chờ của nhân dân địa phương. Tuyến đường có chiều dài trên 3,5km, đi qua 2 xóm Cầu Tuất và Thành Long của xã Phúc Lương. Với tổng kinh phí đầu tư xây dựng trên 13 tỷ đồng, mà không có kinh phí GPMB, trong khi tuyến đường có nhiều đoạn phải cắt cua, mở rộng vào phần đất của người dân đang sử dụng. Ông Triệu Văn Hưởng, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Lương cho biết: Hiểu được khó khăn về nguồn kinh phí, hơn nữa tuyến đường lại phục vụ chính mình nên người dân ở đây đều đồng thuận hiến đất. Theo đó, 79 hộ đã hiến đất với tổng diện tích trên 9.700m2, trong đó có gần 20 hộ hiến từ 100 - 700m2.

Ở xã Đức Lương, ai cũng biết đến người thương binh Nguyễn Phùng Hưng, ở xóm Đồi, mặc dù gia đình còn nghèo nhưng khi xã triển khai làm đường giao thông qua xóm, gia đình ông đã tự nguyện hiến 3 đám ruộng, 2 khoảnh ao cùng mảnh vườn (với tổng diện tích trên 3.000m2) để phục vụ thi công đường. Ông Hưng cho biết: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, con thì đau ốm liên miên, nhưng thấm nỗi vất vả của bà con nơi đây khi giao thông khó khăn, việc đi lại, giao thương hàng hóa rất vất vả, nên khi biết tin Nhà nước đầu tư xi măng cho nhân dân mở đường, tôi cùng bà con rất phấn khởi, sẵn sàng hiến đất để có con đường đẹp hơn cho con cháu đi học, nông dân chở lúa, chở ngô đỡ vất vả.

Chính việc làm của gia đình ông Hưng đã làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người, trở thành tấm gương để không chỉ người dân vùng núi Đức Lương, Phúc Lương mà còn ở các địa phương khác noi theo. Những năm gần đây, phong trào hiến đất, tháo dỡ công trình, chặt hạ cây cối, đóng góp ngày công, tiền của để xây dựng đường giao thông đã lan tỏa từ khu vực đô thị đến nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đại Từ. Từ năm 2010 đến nay, nhân dân trong huyện đã hiến hàng trăm héc-ta đất để làm đường. Riêng năm 2021, nhân dân trong huyện đã hiến trên 19ha đất, với tổng giá trị đóng góp (gồm cả giá trị đất) là trên 40 tỷ đồng để thi công các tuyến đường; năm 2022 bà con hiến trên 10ha.

Người dân xã Bản Ngoại (Đại Từ) làm đường giao thông nông thôn.
Người dân xã Bản Ngoại (Đại Từ) làm đường giao thông nông thôn.

Bức tranh giao thông tươi sáng

Tuyến đường liên kết vùng kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc là dự án trọng điểm của tỉnh được khởi công trong năm 2022. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của tuyến đường, các địa phương đều tích cực vào cuộc GPMB thực hiện dự án. Tuyến đường có tổng chiều dài 42km, trong đó đi qua 3 xã của huyện Đại Từ với chiều dài 9km. Đến nay, các nhà thầu đang tích cực thi công, san gạt mặt bằng, hình hài tuyến đường dần hiện hữu. Theo kế hoạch, đến năm 2024, tuyến đường sẽ được hoàn thành, đưa vào sử dụng, mở ra nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ trên địa bàn.

Ngay gần đó, tuyến đường tỉnh 261 cũng mới được hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo với tổng chiều dài 19km, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa. Bà Lưu Thị Hiền, ở xóm Đồng Gốc, xã Cát Nê, cho biết: Chỉ hơn một năm trước thôi, mỗi lần có việc đi qua con đường này, bà con đều thấy rất vất vả, trời nắng thì bụi mù mịt, trời mưa thì lầy lội, ổ trâu, ổ voi dày đặc. Từ khi tuyến đường được nâng cấp, cải tạo, chúng tôi rất phấn khởi, việc đi lại, giao thương hàng hóa dễ dàng hơn trước rất nhiều.

Cùng với các tuyến đường do tỉnh quản lý, mạng lưới giao thông nông thôn ở huyện Đại Từ không ngừng được vươn nhanh, vươn xa khắp các xã, xóm, đến tận các hộ dân. Từ năm 2016 đến nay, tổng nguồn lực của nhân dân đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn lên đến trên 100 tỷ đồng, hiến gần 300.000m2 đất các loại. Cùng với nguồn đầu tư của Nhà nước, toàn huyện đã làm mới, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng được 500km đường giao thông. Riêng trong năm 2022, huyện đã hoàn thành 11 công trình giao thông do địa phương quản lý (với tổng chiều dài trên 35km) và gần 80km đường trục xã, liên xóm, với tổng giá trị đầu tư trên 480 tỷ đồng…

Những tuyến đường liên tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo đã đáp ứng sự mong mỏi của người dân, tạo nên mạng lưới giao thông ngày càng hoàn thiện, phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Đại Từ theo phương châm “giao thông đi trước một bước”.