Liên kết vùng – Mở hướng tương lai

Trần Quyền 18:28, 20/01/2023

Cuối tháng Chạp, trời rét sâu, nhiều thời điểm âm u. Trong không gian tưởng yên ắng, tĩnh mịch của khu vực phía Đông dãy Tam Đảo lô nhô đồi núi là một công trường sôi động, hàng trăm con người đang chạy đua với thời gian và thời tiết để Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc hoàn thành đúng tiến độ. Ở nhiều đoạn tuyến, hình hài con đường chiến lược đã bắt đầu rõ nét sau hơn nửa năm khởi công.

Cầu Sông Đất (đoạn giáp ranh TP. Phổ Yên và huyện Đại Từ) được thi công từ tháng 10/2022.
Cầu Sông Đất (đoạn giáp ranh TP. Phổ Yên và huyện Đại Từ) được thi công từ tháng 10/2022.

Tháo “nút thắt” lớn nhất

Bám dọc sườn Đông dãy Tam Đảo hùng vĩ là nhiều xã, thị trấn thuộc TP. Phổ Yên và huyện Đại Từ, trong đó có những địa phương khó khăn, đã hoặc đang tiếp tục được hưởng Chương trình 135. Giao thương ở khu vực này vẫn kém phát triển, lĩnh vực công nghiệp cũng gần như chưa có gì đáng kể. Quỹ đất lớn chưa phát huy tốt hiệu quả, tiềm năng về du lịch sinh thái chưa “tỉnh giấc”…

Tuyến đường tỉnh 261 nối Đại Từ và Phổ Yên có đoạn vừa được nâng cấp, mở rộng, nhưng một số đoạn đã xuống cấp nghiêm trọng vẫn chưa được cải tạo. Có nhiều nguyên nhân nhưng “nút thắt” về hạ tầng giao thông chưa được tháo gỡ là nguyên nhân hàng đầu khiến khu vực nhiều tiềm năng này lâu nay vẫn là “vùng trũng”.

Ở góc nhìn rộng hơn, Vĩnh Phúc trong nhiều năm qua là một tỉnh phát triển sôi động về công nghiệp và nhiều lĩnh vực khác, Thái Nguyên cũng đã vươn lên mạnh mẽ, có những bứt phá ngoạn mục để đứng ở vị trí xứng đáng trong bản đồ công nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam. 2 tỉnh giáp nhau nhưng cảm giác xa xôi bởi dãy Tam Đảo chắn ngang, thông thương đôi bên mang tính “tiểu ngạch”, hiện trạng giao thông liên tỉnh rất không tương xứng với nhu cầu liên kết phát triển.

Phía Đông Nam Thái Nguyên, tỉnh Bắc Giang vài năm trở lại đây nổi lên như một “hiện tượng” về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn cao nhất nhì cả nước. Vì thế, Quốc lộ 37 chật chội không thể “cáng đáng” nổi nhu cầu giao thương ngày càng cao giữa 2 địa phương quan trọng của vùng Thủ đô Hà Nội như hiện nay.

Quan trọng với cả vùng

Phác qua vài điểm đó để chúng ta cùng thấy rõ hơn tầm quan trọng của Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc. Dự án có tổng mức đầu tư trên 4.200 tỷ đồng (đã điều chỉnh), chiều dài tuyến 42,55km (qua TP. Phổ Yên và huyện Đại Từ, điểm đầu tại cầu Hòa Sơn giáp tỉnh Bắc Giang, đi qua nút giao Yên Bình; giữa tuyến có nhánh rẽ đi đèo Nhe, kết nối với tỉnh Vĩnh Phúc; điểm cuối tuyến tại xã Ký Phú, huyện Đại Từ); bề rộng nền đường 22,5m, mặt đường thảm bê tông nhựa rộng 21,5m.

Tuyến đường sẽ kết nối các tỉnh trong khu vực thông qua 5 cao tốc: Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, Tuyên Quang - Phú Thọ. Sau khi hoàn thành, Tuyến đường sẽ kết nối trực tiếp cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vào Khu du lịch hồ Núi Cốc, nối với Khu du lịch ATK Định Hóa, tạo quỹ đất cho phát triển công nghiệp, du lịch và đô thị hóa khu vực rộng lớn ở sườn Đông Tam Đảo.

Dự án có khối lượng đào đắp hơn 8,3 triệu m3 đất.
Dự án có khối lượng đào đắp hơn 8,3 triệu m3 đất.

Trong ngày khởi công Dự án (12/5/2022), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khi đó là đồng chí Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc không chỉ là dự án trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên mà còn là dự án giao thông trọng điểm của cả vùng trung du miền núi phía Bắc. Dự án có tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của các địa phương trong vùng nói chung và Thái Nguyên nói riêng.

Đua với thời gian và thời tiết

Trở lại công trường xây dựng Tuyến đường liên kết, hàng trăm con người đang miệt mài lao động, trong số họ có lẽ không phải ai cũng hiểu hết tầm quan trọng của công trình này, họ đang tập trung làm tốt phần việc của mình.

Tại tổ dân phố 1 (thị trấn Quân Chu, Đại Từ) có một lán dã chiến rộng khoảng 60m2. Đây là nơi ăn nghỉ của gần 20 công nhân thuộc Đội thi công số 5 của nhà thầu Hoàng Sơn (Công ty Đầu tư Xây dựng và Năng lượng Hoàng Sơn là một trong 3 pháp nhân tham gia Liên danh nhà thầu chính của Dự án). Đội phụ trách thi công 2km, đang tập trung cao độ đào đắp nền đường và làm một hầm chui dân sinh.

Cách đó không xa là một đội thi công khác cũng của nhà thầu Hoàng Sơn đang triển khai xây dựng các hạng mục của cầu Sông Đất, giáp ranh giữa xã Phúc Thuận (Phổ Yên) và xã Cát Nê (Đại Từ)…

Đại bản doanh của một mũi thi công.
"Đại bản doanh" của một mũi thi công.

Trên toàn tuyến, Liên danh nhà thầu đang tổ chức gần 20 mũi thi công đồng loạt, tập trung đào đắp nền đường và làm kết cấu bê tông cốt thép các cầu, cống thoát nước, hầm chui. Tất cả đang cùng chạy đua với thời gian, thời tiết để phấn đấu cơ bản đào đắp xong nền đường trước mùa mưa năm 2023, hoàn thành Dự án trước kế hoạch là cuối năm 2024.

Để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, các cấp, ngành liên quan đều đã và đang tích cực vào cuộc; các đồng chí lãnh đạo tỉnh thường xuyên thị sát, chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về mặt bằng, thiếu đất san lấp…

Từ đầu nhiệm kỳ mới đến nay, một trong những điểm nổi bật của Thái Nguyên là tập trung phát triển mạnh hạ tầng giao thông, chú trọng giao thông kết nối, khởi công mới và dồn lực hoàn thành nhiều tuyến đường quan trọng.

Trong đó, Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc là một điểm nhấn về giao thông của cả nhiệm kỳ, hứa hẹn tạo xung lực mới cho sự phát triển của tỉnh. Vì vậy, không chỉ nhân dân ở nơi có Tuyến đường đi qua mà rất nhiều người cùng mong muốn công trình chiến lược này sớm hoàn thành.