Cùng với phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, Bộ Giao thông - Vận tải đang khẩn trương lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu rộng rãi, để xây dựng và khai thác các trạm dừng nghỉ đồng bộ với tiến độ hoàn thành các dự án thành phần đường cao tốc vào năm 2025.
Một trạm dừng nghỉ trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. |
Hơn 1/3 đường cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ
Theo Cục Đường cao tốc Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải), một số dự án đường cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 2017-2021) đã thông xe, đưa vào khai thác như Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - quốc lộ 45, Nha Trang - Cam Lâm. Hai đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu chuẩn bị đưa vào khai thác trong tháng 9/2023 song đều chưa có trạm dừng nghỉ, trạm xăng, gây bất tiện, khó khăn cho chủ xe và hành khách.
Lý giải nguyên nhân khoảng 1/3 trong hơn 1.700km đường cao tốc được đưa vào khai thác chưa có trạm dừng nghỉ, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải) Phạm Hoài Chung cho rằng, hầu hết các trạm dừng nghỉ được định hướng huy động nguồn lực đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, các quy định, hướng dẫn giai đoạn trước đây chưa đầy đủ, rõ ràng nên khó triển khai.
Hiện tại, nhu cầu trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc là rất cấp bách, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng tham gia, vấn đề là cơ chế, cách thức như thế nào để triển khai sớm. Lâu nay, các nhà đầu tư thường quan tâm đến các dự án đường cao tốc có lưu lượng xe lớn. Tuyến có lưu lượng xe thấp, thời gian hoàn vốn dài, nhà đầu tư sẽ không mặn mà. Do đó, với các vị trí ở vùng sâu, vùng xa, Nhà nước có thể bỏ kinh phí đầu tư hạ tầng đồng bộ cả tuyến đường và trạm dừng nghỉ. Đến khi lưu lượng xe tăng cao có thể bán quyền quản lý, khai thác.
Tháo gỡ cơ chế để thu hút nhà đầu tư
Khắc phục những tồn tại, Bộ Giao thông - Vận tải vừa ban hành quyết định phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông làm cơ sở lập danh mục dự án, lựa chọn nhà đầu tư. Theo quyết định, mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) đến Cà Mau bao gồm 36 trạm, khoảng cách bình quân giữa các trạm khoảng 59km. Trong đó có 7 trạm dừng nghỉ đã đưa vào khai thác, 2 trạm đang đầu tư, còn lại 27 trạm chưa đầu tư.
Trong số 27 trạm chưa đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải chấp thuận và giao nhiệm vụ cho các ban quản lý dự án phối hợp với các địa phương triển khai thủ tục, xây dựng hồ sơ danh mục dự án để kêu gọi đầu tư đối với 8 trạm dừng nghỉ thuộc các dự án Mai Sơn - quốc lộ 45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. 8 trạm này đã được Bộ Giao thông - Vận tải chấp thuận về vị trí, quy mô, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024. Với 19 trạm còn lại, các ban quản lý dự án sẽ triển khai việc lập danh mục dự án, lựa chọn nhà đầu tư, quyết tâm đưa vào khai thác các trạm dừng nghỉ đồng bộ cùng tiến độ hoàn thành đường cao tốc vào năm 2025.
Cục Đường cao tốc Việt Nam nhấn mạnh, toàn bộ các trạm dừng nghỉ chưa xây dựng sẽ được lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch. Dự kiến, danh mục dự án sẽ được công bố trong tháng 8/2023. Việc lựa chọn nhà đầu tư mất khoảng 3-5 tháng. Thời gian để các nhà đầu tư hoàn thành thủ tục và triển khai xây dựng trạm dừng nghỉ khoảng 9-12 tháng.
Đánh giá về điều này, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải Phạm Hoài Chung cho rằng, Thông tư số 01/2023/TT-BGTVT, ngày 7/3/2023, của Bộ Giao thông - Vận tải hướng dẫn về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án, phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ, về cơ bản đã gỡ vướng mắc về cơ chế, giúp thu hút doanh nghiệp tư nhân làm trạm dừng nghỉ dễ dàng hơn. Việc tách hạng mục trạm dừng nghỉ ra thành hạng mục riêng để kêu gọi đầu tư là phù hợp với điều kiện nguồn lực hiện nay. Vấn đề là cải thiện quy trình, thủ tục thực hiện. Cùng với xây dựng tuyến đường có thể song hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ, để khi đường cao tốc đưa vào khai thác có ngay trạm dừng nghỉ.
Bước tiếp theo là đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ dự án, thẩm tra, thẩm định dự án. Trong hợp đồng phải có điều khoản cam kết của nhà đầu tư trúng thầu hoàn thành đúng thời hạn tuyến đường hoàn thành. Cùng đó, địa phương cần vào cuộc quyết liệt bàn giao mặt bằng.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) Trần Chủng, để triển khai sớm và phát huy hiệu quả, các dự án đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước cần đấu thầu để thu hút nhà đầu tư xây trạm dừng nghỉ. Còn với dự án theo hình thức xã hội hóa thì nên giao cho nhà đầu tư tuyến đường xây dựng để quản lý thống nhất...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin