Để thu hút đầu tư xây dựng tỉnh trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại vào trước năm 2030, Thái Nguyên đã chọn phát triển giao thông làm khâu đột phá. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển hạ tầng giao thông làm “chìa khóa" để thu hút đầu tư.
Cùng với tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, tỉnh quan tâm đầu tư các tuyến đường gom vào các khu công nghiệp, tạo sự kết nối trong giao thương. Ảnh: Mạnh Hùng |
Mạng lưới kết nối vùng
Khi Quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị lập và tham mưu với UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung cục bộ Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn sau năm 2020. Trong quy hoạch đã cụ thể hóa phương án phát triển mạng lưới GTVT tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 3-2023.
Trong công tác tham mưu định hướng và chiến lược, Sở GTVT đặc biệt chú trọng tính liên kết, kết nối vùng, phát triển hạ tầng giao thông khu công nghiệp gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội, hình thành cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh.
Việc đầu tư hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, tăng tính liên kết vùng theo các trục như trục dọc phía Bắc chạy theo hướng Bắc Nam: Tuyến QL.3 Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn; QL.37 Bắc Giang - Thái Nguyên - Tuyên Quang … đã được đầu tư trong giai đoạn trước. Trục ngang là đường Hồ Chí Minh đã và đang được đầu tư. Trục dọc phía Tây kết nối liên vùng Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - Tuyên Quang - Hà Nội đang được đầu tư và xem xét, nghiên cứu phương mở rộng đầu tư.
Đây là các tuyến đường huyết mạch, giúp kết nối và lan tỏa các giá trị: Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và văn hóa Thái Nguyên đi các vùng, miền trong khu vực và cả nước.
Sở GTVT đã đề xuất, tham mưu với cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư công giai đoạn 2021-2025 là 11 dự án, với tổng mức đầu tư 6.779 tỷ đồng. Đến nay, 2/11 dự án đã được hoàn thành, gồm: Cải tạo, nâng cấp tuyến đường tỉnh (ĐT) 266 đoạn từ ngã tư Sông Công (giao QL3 cũ) đến ngã tư Điềm Thụy (giao QL 37); cải tạo, nâng cấp tuyến ĐT.261 đoạn từ Km1+00 đến Km20+00.
Thi công tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc, với tổng mức đầu tư trên 4.200 tỷ đồng. Ảnh: T.L |
Năm 2023, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh triển khai 7 dự án giao thông trọng điểm, được ghi vốn trong kỳ trung hạn 2020-2025. Đến nay đã có 2 dự án được hoàn thành, đang thực hiện quyết toán vốn.
Có 3 dự án chuyển tiếp đang triển khai thi công, gồm: Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc; đường vành đai V qua tỉnh Thái Nguyên, đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang; nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Km31 (QL.3) đến Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. 2 dự án khởi công mới trong năm 2023 là đầu tư xây dựng tuyến đường nối ĐT.261 với ĐT.266; tuyến đường kết nối QL.37 với ĐT.269B.
Tạo đà phát triển
Là một trong những địa phương có các tuyến đường trọng điểm, kết nối đi qua, các cơ quan chuyên môn của huyện Phú Bình đã phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung giải phóng mặt bằng (GPMB) để các dự án được triển khai đúng tiến độ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Đại Đồng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Bình, cho biết: Trên địa bàn huyện đang triển khai thi công tuyến đường vành đai V kết nối với tỉnh Bắc Giang, diện tích thu hồi đất khoảng 29ha. Đến nay, 100% các hộ dân liên quan đã hợp tác, kê khai và nhận tiền bồi thường. Đối với diện tích đất nông nghiệp các hộ đã bàn giao xong, những hộ bị ảnh hưởng đến nhà đang tiến hành tháo dỡ và chờ được cấp đất tại khu tái định cư để di dời.
Khi tuyến đường vành đai V được hoàn thành sẽ mở hướng cho Phú Bình và các địa phương lân cận thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Hiện nay, Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phú Bình với diện tích trên 900ha đang được triển khai xây dựng ngay sát tuyến đường này.
Thi công tuyến đường nối cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến Khu công nghiệp Yên Bình, đoạn từ Km3+516,9 đến Km5+423,18 và ĐT.261 (Dự án đường 47m giai đoạn 2). Ảnh: Q.T |
Cùng với tuyến đường vành đai V, huyện Phú Bình đang tập trung GPMB thực hiện dự án tuyến đường kết nối giữa ĐT.261 với đường 47m của TP. Phổ Yên, nối đường ĐT.266 Điềm Thụy đi Sông Công và tuyến QL.37 kết nối với ĐT. 269B. Các tuyến đường kết nối mở ra cơ hội cho địa phương trong thu hút đầu tư để Phú Bình cùng với TP. Phổ Yên, TP. Sông Công trở thành cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Bên cạnh các dự án do tỉnh thực hiện đầu tư, hiện nay, tỉnh đang phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ Chợ Chu đến giáp ranh địa phận tỉnh Tuyên Quang) với quy mô đường cấp III miền núi, tổng mức đầu tư là 1.665 tỷ đồng, dự kiến được khởi công vào quý IV/2023 và hoàn thành trong năm 2025. Đến nay, Chính phủ đã phê duyệt khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn.
Việc đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn sẽ góp phần nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau). Dự án được hoàn thành đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn.
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 5.000km đường bộ, trong đó có trên 200km quốc lộ và đường cao tốc thảm bê tông nhựa chất lượng tốt; hơn 1.300km đường tỉnh, đường huyện được rải nhựa và trên 3.000km đường xã, phường đảm bảo giao thông thuận lợi. Bên cạnh đó, hệ thống đường gom, đường kết nối các khu công nghiệp trọng điểm với hệ thống giao thông đối ngoại đã được đầu tư cơ bản, đồng bộ, hiện đại. Việc khơi thông được hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng trong thời gian qua đã mở ra những thời cơ mới cho Thái Nguyên trong thu hút đầu tư, tạo đà tăng trưởng kinh tế bền vững. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin