Những nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông đã an nghỉ, nhưng hình ảnh nạn nhân nằm trên đường, tiếng khóc của thân nhân người xấu số khiến bất cứ tài xế nào liên quan đến vụ việc cũng phải dằn vặt, tự dày vò lương tâm…
Tổ công tác của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) kiểm tra nồng độ cồn của lái xe trên địa bàn TP. Thái Nguyên. Ảnh: Lăng Khoa |
Làm chủ tay lái, làm chủ tốc độ, bình tĩnh xử lý tình huống sẽ mang lại cho tài xế những lộ trình di chuyển an toàn, hạnh phúc. Nhưng hầu hết lái xe ô tô đều tâm niệm: Không thể nói trước được điều gì khi đang lái xe trên đường.
Kể lại sự việc bị tai nạn giao thông, anh Nguyễn Văn Kiên tự dằn vặt: Giá như hôm đó tôi cho xe đi chậm hơn thì ông Trần Văn Chức, tổ dân phố 5, phường Lương Châu (TP. Sông Công), không bị chết oan uổng…
Tôi xem lại biên bản hiện trường: Vụ tai nạn giao thông xảy ra tại km53+750 trên Quốc lộ 3, thuộc địa phận tổ dân phố Sau, phường Lương Sơn, TP. Sông Công. Ô tô do anh Kiên lái đang di chuyển theo hướng Hà Nội - Thái Nguyên thì bị xe mô tô do ông Chức điều khiển đâm va vào. Tai họa ập đến bất ngờ khiến cuộc đời anh Kiên chuyển sang một hướng khác, buồn nhiều hơn vui.
Không tranh luận đúng - sai, những người liên quan đến tai nạn giao thông còn sống đương nhiên phải cùng gia đình nạn nhân lo toan hậu sự. Đó là đạo lý trong cuộc sống.
Nhiều lái xe sau khi gây tai nạn chết người còn phải trả giá bằng năm tháng lao tù; phải nuôi các con của nạn nhân đến 18 tuổi theo quy định của pháp luật.
Anh Trần Hoàng Tấn, thôn Quang Trung, xã Dương Quang, huyện Gia Lâm (TP. Hà Nội), điều khiển xe ô tô đi hướng Sông Công - Phú Bình, đến đoạn đường thuộc phường Hồng Tiến (TP. Phổ Yên) thì gặp tai vạ bất ngờ. Từ hướng ngược lại, bà Đỗ Thị Luyến, tổ dân phố Mãn Chiêm, phường Hồng Tiến, đi xe mô tô bất ngờ ngã văng ra đường. Dù anh Tấn đã rất chú ý quan sát, phanh xe dừng lại ngay, nhưng theo đà văng quán tính, bà Luyến đập đầu vào bánh xe ô tô và tử vong trên đường đưa đi cấp cứu.
Anh Tấn chia sẻ: Từ sau vụ đó, tôi thực sự hoang mang. Mình đã đi rất cẩn thận nhưng “người ta” lại đâm vào mà chết. Giờ lái xe, nhiều khi phải rẽ vào lề đường nghỉ ngơi vì hình ảnh nạn nhân ám ảnh.
Hầu hết các lái xe bị tai nạn giao thông tôi gặp đều là người lao động hiền lành, chất phác. Họ làm nghề lái xe để mưu sinh. Anh Dương Văn Hoán, xóm Phẩm 4, xã Dương Thành (Phú Bình), là một minh chứng. Hôm đó, khi anh đang điều khiển xe ô tô theo hướng Phổ Yên - Lạng Sơn (Quốc lộ 1B), đến km134+500, thuộc xóm La Đành, xã Hóa Trung, (Đồng Hỷ), thì xảy ra va chạm với xe ô tô của ông Bùi Mai Hiền, tổ dân phố Ấm, phường Hồng Tiến (TP. Phổ Yên). Cú va chạm quá mạnh làm ông Hiền bị thương nặng, dẫn đến tử vong 1 tuần sau đó.
Trường hợp anh Lương Văn Huấn, tổ Nguyễn 2, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình), cũng đau xót không kém. Anh Huấn Nhớ lại: Tôi luôn dặn mình phải cẩn thân khi ngồi sau tay lái. Khi đến đoạn đường thuộc địa phận xóm Phú Xuân, xã Nga My (Phú Bình), chợt… roành thành tiếng. Tôi chết lặng thấy trước đầu xe có chiếc mô tô nằm bẹp, chủ nhân chiếc xe là bà Cấn Thị Lương, xóm Đồn, xã Hà Châu (Phú Bình), sõng xoài cạnh đó.
Còn anh Nguyễn Văn Bình, lái xe tải BKS: 29C- 95… bị xe mô tô do bà Lê Thị Hải, xóm Trại Cang, xã Thành Công (TP. Phổ Yên), điều khiển đâm va trực diện vào đầu xe ô tô. Bà Hải tử vong tại chỗ. Anh Bình chia sẻ: Việc xảy ra ngoài ý muốn. Tôi rất khổ tâm…
Tai nạn giao thông xảy ra, phần lỗi chính dẫn đến tai nạn có thể từ phía nạn nhân. Nhưng là con người tránh sao được lương tâm dằn vặt, mất ngủ dẫn đến suy nhược tinh thần. Nhiều lái xe sau khi gặp tai nạn giao thông than thở: Giá như hôm đó cho xe đi chậm hơn, chú ý quan sát hơn.
(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin