Xóa bỏ “điểm đen” là một trong những giải pháp quan trọng được các cấp, ngành liên quan của tỉnh Thái Nguyên triển khai thời gian qua nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông (TNGT). Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều điểm bất cập về tổ chức giao thông cần khắc phục, xử lý, nhằm đảm bảo an toàn.
Vị trí ngã tư nút giao Quốc lộ 17 với Quốc lộ 1B (thuộc xã Cao Ngạn và phường Chùa Hang, TP.Thái Nguyên) không có hệ thống đèn tín hiệu giao thông, là điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. |
Vị trí ngã tư nút giao Quốc lộ 17 với Quốc lộ 1B, thuộc địa phận xóm Quyết Thắng, xã Cao Ngạn và phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên), được xác định là điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT. Bởi đây là khu vực gần Mỏ đá Núi Voi, có nhiều cơ sở sản xuất, tập kết vật liệu xây dựng, gần các trường học nên mật độ phương tiện tham gia giao thông rất cao. Nút giao này lại có góc cua khuất tầm nhìn và chưa được lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông.
Anh Đoàn Văn Bách, tổ 11, phường Chùa Hang, phản ánh: Đầu giờ buổi sáng, buổi trưa và chiều tối là thời điểm đông nhất các phương tiện qua lại ngã tư này do các cháu học sinh tới lớp và tan học. Khu vực này thường xuyên xảy ra các vụ va chạm giao thông, nhẹ thì trầy xước, nặng thì gẫy chân, thậm chí là chết người. Đáng nói, những người ở nơi khác đi qua tuyến đường này chưa nắm bắt được địa hình chuyển tới khúc khua, lại khuất tầm nhìn, không phát hiện phương tiện từ đường nhánh đi ra nên cua gấp, dẫn tới lật xe hoặc lao xuống rãnh…
Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện còn tồn tại khá nhiều “điểm đen”, điểm tiềm ẩn bất cập về tổ chức giao thông. Phần lớn trong số đó hình thành tại vị trí điểm đấu nối giữa các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ với đường huyện, đường xã, tại một số ngã ba, ngã tư có mật độ người tham gia giao thông cao nhưng chưa có đèn tín hiệu điều khiển giao thông, không có biển cảnh báo nguy hiểm hoặc điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt không có gác chắn...
Trong khi hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập thì những năm qua, số phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, bình quân mỗi năm tăng gần 40.000 xe (mô tô tăng 30.000 xe/năm, ô tô tăng gần 7.000 xe/năm). Tính đến hết năm 2023, Thái Nguyên quản lý 1.039.000 phương tiện cơ giới đường bộ.
Theo số liệu báo cáo của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, từ ngày 19/4/2023 đến ngày 19/4/2024, toàn tỉnh xảy ra 720 vụ TNGT, chết 119 người, bị thương 793 người, trong đó đường bộ xảy ra 718 vụ, chết 117 người, bị thương 791 người; đường sắt xảy ra 2 vụ, chết 2 người, bị thương 2 người.
“Điểm đen” trên tuyến Quốc lộ 1B (Km138-Km139) đã được gia cố lề đường, sửa chữa, thay rãnh dọc bằng rãnh kín. |
Để giảm thiểu các vụ TNGT, thời gian qua, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng những “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT. Đồng thời phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan lập hồ sơ xử lý “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT tại từng vị trí trên những tuyến đường thuộc phạm vi quản lý.
Ban ATGT tỉnh phối hợp với các địa phương rà soát hệ thống biển báo hiệu giao thông; đề xuất đơn vị quản lý đường bộ sửa chữa, thay thế, nâng cấp, bổ sung hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm, gờ giảm tốc, sơn vạch kẻ đường, hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu chỉ huy giao thông…
Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở GTVT đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, xác định có 2 “điểm đen” về TNGT và 35 điểm bất cập về tổ chức giao thông. Đối với “điểm đen” trên tuyến Quốc lộ 1B (Km138-Km139), từ nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ, Sở GTVT đã triển khai gia cố lề đường, cải tạo đoạn đường...
Còn đối với “điểm đen” trên tuyến Quốc lộ 37 (Km147+700 đến Km151) đoạn qua Núi Pháo (Đại Từ), Sở GTVT đã báo cáo đề xuất Bộ GTVT và Cục Đường bộ Việt Nam. Cục Đường bộ Việt Nam có phương án xử lý giữ nguyên độ dốc dọc hiện trạng, cạp mở rộng sửa chữa nền, mặt đường, sửa chữa hệ thống thoát nước, cải thiện tầm nhìn, tạo thuận lợi cho người và phương tiện lưu thông.
Đối với các điểm điểm bất cập về tổ chức giao thông trên các tuyến quốc lộ, Sở GTVT đã xử lý được 3/8 vị trí (chủ yếu sơn gờ giảm tốc, lắp đặt thêm biển báo bằng nguồn xã hội hóa); còn lại 5 điểm, Sở GTVT báo cáo Bộ GTVT và Cục đường bộ Việt Nam để tiếp tục xử lý.
Một lối đi cắt ngang đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên đã được đóng để đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông. |
Đối với 10 vị trí trên các tuyến đường tỉnh, Sở đang chuẩn bị phương án xử lý tại vị trí Km0+730 Đường tỉnh 265; 9 vị trí còn lại, Sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để báo cáo UBND tỉnh bố trí kinh phí xử lý trong năm 2025 và các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, Sở GTVT đã chủ động phối hợp với Văn phòng Quản lý đường bộ I.5 đóng các điểm mở trái phép đấu nối vào tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; phối hợp rà soát, xử lý điểm bất cập về ATGT khu vực cổng trường học trên 4 tuyến quốc lộ, với 59 điểm.
Mặc dù việc xử lý “điểm đen”, điểm bất cập về tổ chức giao thông đã được quan tâm, song trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vị trí thường xuyên gây ùn tắc giao thông. Qua khảo sát, Công an tỉnh đề nghị bổ sung thêm 4 “điểm đen” và 57 điểm bất cập để phối hợp rà soát, có phương án cải tạo, xử lý.
Cùng với việc triển khai những phương án kỹ thuật khắc phục của cơ quan chức năng để xóa bỏ các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT, rất cần sự tự giác chấp hành các quy định pháp luật của mỗi người khi tham gia giao thông.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin