Nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển đại học và kinh tế - xã hội của đất nước.
Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. |
Thời gian qua, nhiều chính sách, pháp luật đã được ban hành để thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở các cơ sở giáo dục đại học, như: Nghị định 109/2022/NÐ-CP quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học; Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung) năm 2022, trong đó quy định chính sách hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển công nghệ; đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học, công nghệ cho doanh nghiệp; Ðề án 1665 Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025…
Ðến nay, nhiều trường đại học đã phát triển các mô hình doanh nghiệp, tổ chức đổi mới sáng tạo để thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường như: Ðại học Quốc gia Hà Nội có Trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp. Trường đại học Bách khoa Hà Nội có BKHoldings; Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có Khu công nghệ phần mềm...
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, cả nước có 138 trường đại học, cao đẳng có các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhiều trường đã thiết lập các mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp; không ít kết quả nghiên cứu từ trường đại học đã được chuyển giao cho doanh nghiệp, tạo doanh thu lớn. Thí dụ, trong vài năm trở lại đây, Trường đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh trung bình đạt khoảng 200 tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, nhìn chung số lượng nghiên cứu của cơ sở giáo dục đại học có khả năng thương mại hóa và được bảo hộ sở hữu trí tuệ để trở thành hàng hóa chưa nhiều. Kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ không được chuyển giao cho doanh nghiệp để thương mại hóa sau khi được tạo ra tại cơ sở đào tạo với rất nhiều công sức lao động sáng tạo của nhà nghiên cứu và chi phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.
Nguyên nhân là do vướng mắc trong thực hiện thủ tục giao quyền, định giá, phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu hình thành từ các nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước. Theo quy định tại Nghị định 70/2018/NÐ-CP, để cơ sở đào tạo được giao quyền sử dụng kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ cho mục đích thương mại hóa thì kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ đó phải được định giá.
Theo quy định tại Nghị định 70/2018/NÐ-CP, để cơ sở đào tạo được giao quyền sử dụng kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ cho mục đích thương mại hóa thì kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ đó phải được định giá. |
Tuy nhiên, việc định giá rất phức tạp, chi phí lớn đối với các cơ sở đào tạo vì kết quả nghiên cứu bao gồm cả tài sản hữu hình, vô hình, tài sản trí tuệ và liên quan đến nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau,nhất là những sản phẩm mới, công nghệ mới. Ngay cả khi có kết quả tư vấn giá của chuyên gia hoặc tổ chức định giá, người có thẩm quyền cũng không dám quyết định giá do không có thị trường để xác định, rất có thể dẫn đến trách nhiệm làm thất thoát tài sản công.
Nghị định số 70/2018/NÐ-CP cũng quy định việc phân chia lợi nhuận cho Nhà nước tương ứng với tỷ lệ vốn Nhà nước đã đóng góp vào nhiệm vụ. Nhiều nhà khoa học cho rằng, quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ đòi hỏi nguồn vốn đầu tư tiếp theo rất lớn và mang tính rủi ro cao. Yêu cầu hoàn trả cho Nhà nước theo tỷ lệ đóng góp kinh phí cho việc tạo ra kết quả đó là rào cản về chính sách, không khuyến khích được nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia quá trình thương mại hóa, nhà nghiên cứu cũng không có động lực tiếp tục tham gia quá trình thương mại hóa để tạo ra doanh thu, lợi nhuận hoặc góp vốn bằng tài sản trí tuệ để thành lập doanh nghiệp.
Ðể giải quyết điểm nghẽn về chính sách nêu trên, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về giao quyền sở hữu, quyền sử dụng, định giá tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước. Nhiều nhà khoa học cho rằng, có thể thực hiện cơ chế thu lại phần đầu tư ban đầu của ngân sách Nhà nước bằng thuế thu nhập doanh nghiệp thay cho cơ chế phân chia lợi nhuận trực tiếp.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ thí điểm chính sách thành lập và phát triển doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off) thông qua “Ðề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh”.
Bộ Khoa học và Công nghệ cần đề xuất cơ chế thí điểm về giao quyền sở hữu, quyền sử dụng, định giá, góp vốn bằng tài sản trí tuệ là kết quả nghiên cứu, phân chia lợi ích thu được từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu sử dụng Ngân sách nhà nước, đồng thời đề xuất thí điểm chính sách cho phép viên chức khoa học tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp… để xóa bỏ nghịch lý trường đại học có kết quả nghiên cứu tốt, doanh nghiệp cần công nghệ nhưng không thể chuyển giao.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin