Nhận thấy lợi thế và tiềm năng khai thác gỗ rừng trồng ở Định Hóa, vài năm trở lại đây, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã đầu tư trang thiết bị vào sản xuất gỗ bóc trên địa bàn, tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn...
Một điều dễ dàng nhận thấy đó là nhận thức của người dân trong huyện về phát triển kinh tế rừng ngày càng được nâng cao. Nhiều hộ đã mạnh dạn trồng, chăm sóc hàng chục ha rừng. Ông Nguyễn Văn Dương, xóm Tràng (xã Tân Dương) cho biết: Gia đình tôi có hơn 2ha keo. Năm ngoái, sau khi khai thác 1ha, gia đình tôi đã có nguồn thu trên 40 triệu đồng. Còn 1ha đã trồng được 6 năm tuổi. Dự kiến lúc khai thác gia đình sẽ có khoảng 50-60 triệu đồng. Năm nay, gia đình tôi tiếp tục trồng lại 1ha keo...
Nhận thấy việc trồng rừng đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, năm nay, hơn 1.180 hộ dân ở Định Hóa đã đăng ký trồng 1.050ha rừng (đạt 105% kế hoạch). Hiện huyện có trên 30 nghìn ha rừng, trong đó có gần 14,5 nghìn ha rừng sản xuất, hằng năm cung cấp khoảng 500 nghìn m3 gỗ. Đây chính là nguồn nguyên liệu cung cấp cho các xưởng chế biến gỗ trên địa bàn, trong đó có nghề gỗ bóc. Ông Hứa Đức Chung, Phó Trưởng Ban quản lý rừng ATK Định Hóa cho biết: Nghề sản xuất gỗ bóc phát triển mạnh trên địa bàn huyện vào khoảng 2-3 năm nay. Từ vài xưởng sản xuất nhỏ ban đầu, đến nay, toàn huyện đã có 18 xưởng, góp phần tạo việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động địa phương. Mỗi năm, các xưởng gỗ bóc này tiêu thụ khoảng trên 13 nghìn m3 gỗ cho các hộ trồng rừng ở huyện.
Đến thăm một số xưởng chế biến gỗ bóc trên địa bàn các xã: Phượng Tiến, Kim Sơn, Phú Tiến, Bộc Nhiêu..., chúng tôi được tận mắt chứng kiến quy trình tạo ra những tấm bóc mỏng tang theo một kích thước đều đặn. Từ cây gỗ tròn mua về, gỗ được cắt ra thành từng khúc theo chiều dài nhất định, rồi được cho vào hệ thống máy gọt vỏ (bóc tu), sau đó cho vào máy bóc lồng qua hệ thống máy chặt tạo thành những tấm gỗ bóc. Những tấm bóc này sẽ được vận chuyển ra bãi phơi khô. Sản phẩm gỗ bóc của các xưởng này được các doanh nghiệp ở Hà Nội về tận nơi thu mua để tạo thành ván ép xuất khẩu hay tạo ván gỗ dăm công nghiệp. Một trong những ưu điểm khác của nghề gỗ bóc là có thể tận dụng được mọi loại gỗ với kích thước khác nhau. Những tấm ván bóc nhỏ vụn có thể được các doanh nghiệp thu mua để tạo thành than sạch xuất khẩu hoặc làm ván okal.
Theo tính toán, mỗi cơ sở sản xuất gỗ bóc đầu tư khoảng 400 triệu đồng là có thể mua được một dàn máy gồm: máy cắt gỗ, máy bóc tu, máy bóc lồng, máy mài. Cái hay của nghề gỗ bóc còn ở chỗ quy trình vận hành máy móc ở các xưởng cũng rất đơn giản. Người nào mới vào làm thì chỉ cần học trực tiếp tại xưởng vài ngày là biết nghề. Ông Lương Văn Sinh, chủ Doanh nghiệp Thiên Sinh ở xóm Hợp Thành (Phượng Tiến) chia sẻ: Vào năm 2007, nhận thấy nhu cầu ván bóc lớn mà chi phí mở 1 xưởng gỗ bóc không quá cao, lại tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, tôi đã mạnh dạn đầu tư mua máy móc mở xưởng gỗ bóc. Ban đầu, xưởng của tôi chỉ rộng khoảng 400m2 với 1 dàn máy sản xuất ván bóc bao gồm: máy cắt gỗ, máy tu, máy bóc, máy mài, với 6 nhân công làm việc. Nhờ ăn nên làm ra, tôi đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để mở rộng xưởng lên 2.000m2, mua sắm thêm 3 bộ máy và 2 bộ máy ép ván, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Hiện tại, xưởng của tôi có thể tạo ra 100m3 ván ép/năm (tương đương với khoảng 12.700 tấm bóc). Sản phẩm gỗ ép của chúng tôi làm ra tới đâu đều được các doanh nghiệp kinh doanh ván ép ở Hà Nội thu mua tới đó.
Nhờ nghề bóc gỗ, đời sống vật chất và tinh thần của nhiều hộ dân đã được nâng cao. Chị Trần Thị Uyên, ở xóm Kim Tân 3, xã Kim Sơn cho hay: Tôi được nhận vào làm tại xưởng gỗ bóc của Công ty cổ phần Kinh doanh chế biến nông - lâm sản Kim Sơn (đóng tại địa bàn xã Kim Sơn) đến nay đã được gần 1 năm. Nhiệm vụ của tôi là mang tấm bóc đi phơi, khi tấm bóc đã khô thì vận chuyển cất vào kho, tiền công mỗi tháng cũng đạt khoảng 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, tôi đã có thêm một khoản tiền để sắm sửa tiện nghi sinh hoạt trong gia đình. Do xưởng ở gần nhà nên tôi vẫn có thể tranh thủ canh tác ruộng nương. Ông Mông Văn Giáp, ở xóm Nà Què (Phượng Tiến), hiện làm tại xưởng gỗ bóc của Doanh nghiệp Thiên Sinh, ở xóm Hợp Thành (cùng xã) chia sẻ: Tôi làm ở xưởng này đã được 4 năm nay, với mức thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng. So với đi làm công nhân ở các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp khác ngoài tỉnh thì mức thu nhập này chưa phải là cao nhưng chúng tôi thấy ổn định, nhất là được ở gần gia đình.
Từ hiệu quả sản xuất của các xưởng sản xuất gỗ bóc trên địa bàn huyện, có thể thấy nghề này đã và đang mở ra thêm hướng phát triển kinh tế cho người dân vùng ATK Định Hóa.