Người nông dân “chung thủy” với cây chè

09:00, 12/11/2015

5 năm trở lại đây, sự phát triển của các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút lao động phổ thông, khiến nhiều nông dân ở xã Vinh Sơn (T.P Sông Công) dần phá bỏ cây chè để chuyển sang trồng keo và các loại cây màu khác. Vì thế, diện tích chè của địa phương này đã sụt giảm từ trên 150ha năm 2010 xuống còn 70ha hiện nay.

Dù nhiều người trong xã “ngoảnh mặt, quay lưng” với cây trồng đã từng gắn bó với họ hàng chục năm, vẫn có những nông dân nặng lòng, không ngừng cải tạo để những đồi chè xanh mãi và cho giá trị kinh tế cao như gia đình ông Nguyễn Văn Quế, ở xóm Vinh Quang 3.

 

Khi chúng tôi đến, vợ chồng ông Quế đang hái chè ngoài vườn. Diện tích chè Đài Loan này mới bước sang tuổi thứ ba, vì thế cây còn nhỏ, búp ngắn. Vừa hái, bà Trần Thị Hoa, vợ ông Quế vừa giới thiệu: Ưu điểm của giống chè này là khả năng chống chịu bệnh tốt, búp đều, khi sao không bị nát, màu xanh đẹp, nhất là không bị “hao” như các loại khác.

 

Bao quanh ngôi nhà ông bà Quế, Hoa đang ở là những luống chè: Đài Loan, Tri777, LDP1... Giữa vườn, hệ thống mương đào và các vòi phun nước được bố trí khoa học để có thể tưới thuận lợi cho chè. Ông Quế chậm rãi: 4 mẫu đất và vườn vợ chồng tôi đang canh tác đều là tài sản ông bà để lại từ những năm 1980. Hoàn cảnh gia đình khi ấy đông con, nên vợ chồng luôn động viên nhau, “tấc đất tấc vàng” ông bà giao cho như vậy là mình có khối tài sản vô cùng quý báu không được để lãng phí.

 

Từ những năm 90, thấy ruộng vườn mỗi chỗ một mảnh thì cày cấy, thu hoạch mất nhiều công, ông đã đổi cho các hộ dân xung quanh nhằm quy hoạch diện tích thành một mối để trồng chè và các loại cây màu. 5 năm trở lại đây, người dân trong vùng vì thiếu lao động do thanh niên, phụ nữ phần lớn đi làm ở các nhà máy, xí nghiệp nên họ đã bỏ chè trồng keo. Cũng có nhà thấy thu nhập từ chè kém đi, ít chăm sóc khiến không ít diện tích bị cháy khô, còn lại già cỗi và cho năng suất thấp…

 

Ông nhớ lại thời điểm năm 2008, 2009, khi các hộ dân trong xóm phá chè, thấy từng hàng chè bị đốn đổ rạp xuống, vợ chồng ông đã rớt nước mắt. Ông bảo, không tiếc sao được khi bao năm qua lớn lên cùng cây chè, vùng chè quê hương. Mỗi lần bước ra vườn, nhìn lá chè xanh non tơ, óng ánh trong nắng sớm và khi nhấp chén trà vị đậm đà, thơm ngon, trong lòng bao hạnh phúc, thanh thản. Nếu phá chè trồng keo, phải đến 5-7 năm mới khai thác, còn chịu khó đầu tư, chăm sóc chè khoa học thì mỗi năm thu được 6-7 lứa, nông dân có đồng ra đồng vào để lo toan cuộc sống. Vậy mà cây mũi nhọn, chủ lực giúp bà con xóa đói, giảm nghèo và có kinh tế khá một thời lại đang bị “ghẻ lạnh”. Thế là ông bàn với vợ, làm cách nào để giữ và mở rộng diện tích chè của gia đình. Năm 2010, ông bà đã thuê máy móc về cuốc gốc chè hạt trung du, san đất và bắt đầu chuyển đổi từng phần diện tích chè sang các giống mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Ông lặn lội sang tỉnh Phú Thọ, lên vùng chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên) để tìm hiểu, sau đó quyết định trồng giống chè Đài Loan và Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên. Từ năm 2013 đến nay, diện tích chè cành đã cho thu hoạch. Vì mới được thu nên năng suất mỗi sào kém hơn so với khi chè “trưởng thành” 5-7kg/lứa nhưng giá bán cao hơn hẳn, từ 140-400 nghìn đồng/kg, cao nhất vùng Vinh Sơn. Thường thì đến vụ hái, ông bà thuê nhân công, còn sao sấy thì trực tiếp hai vợ chồng làm. Có những hôm, ông bà sao cả đêm, đến khi gà gáy canh ba mới xong mẻ chè. Sớm hôm sau, tỉnh dậy ăn uống qua loa rồi lại lên đồi hái chè.

 

“Nông dân bây giờ chăm chỉ thôi chưa đủ, cần phải chịu khó mày mò, học hỏi, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì hiệu quả kinh tế mới cao”- Người đàn ông cao, gầy, da rám nắng nói chân thật với chúng tôi như thế. Trừ chi phí, mỗi lứa gia đình ông Quế thu lãi từ 20-30 triệu đồng. Như vậy, cả năm riêng từ chè, ông bà đã cầm chắc 150 triệu đồng. Mặc dù 3 người con đều trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định nhưng vợ chồng ông vẫn chăm chỉ lao động. Ngoài 2 mẫu chè, ông còn cấy 1,5 mẫu lúa 2 vụ, trồng 4 sào cỏ phục vụ chăn nuôi và làm 1 mẫu ngô vụ đông.

 

Trưởng xóm Vinh Quang 3, chị Dương Thị Hồng cho biết: Xóm có 96 hộ, trên 400 khẩu, trước nửa số hộ làm chè nhưng hiện nay chỉ còn 20 hộ. Riêng gia đình ông bà Quế Hoa là điển hình của xóm trong việc giữ gìn và phát triển kinh tế khá từ cây chè. Đây cũng là hộ làm nhiều, làm giỏi và giá bán chè cao nhất trong xã.

 

Chuyện trò cùng ông bà Quế Hoa chưa nhiều nhưng những gì tôi cảm nhận được về vợ chồng người nông dân này là sự chịu thương, chịu khó lao động và nhất là nặng lòng với cây chè. Như ông Quế nói: Còn sức lao động, vợ chồng tôi còn làm chè, bỏ sao được. Hạnh phúc với ông bà Quế Hoa hiện nay là mỗi tấc đấc đã và đang thực sự là tấc vàng, mang lại nguồn thu không nhỏ cho gia đình…