Nhiều mặt hàng được xóa thuế nhập khẩu khi TPP có hiệu lực

07:46, 10/11/2015

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm.

Tại buổi họp báo chuyên đề về thực hiện cam kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) tổ chức chiều 9/11, Bộ Tài chính cho biết, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm.

 

Ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính cho biết các nước cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu dành cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi TPP có hiệu lực khoảng từ 78-95% số dòng thuế và xóa bỏ hoàn toàn từ 97-100% dòng thuế. Hầu hết các nước có biểu thuế áp dụng chung cho tất cả các nước còn lại, trừ Hoa Kỳ áp dụng riêng riêng lộ trình giảm thuế với hàng hóa của từng thành viên TPP.

 

Cũng theo Bộ Tài chính, Việt Nam sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với ô tô cũ với lượng hạn ngạch ban đầu là 66 chiếc, lượng hạn ngạch sẽ tăng dần và đạt 150 chiếc kể từ năm thứ 16. Thuế trong hạn ngạch sẽ giảm về 0% vào năm thứ 16. Theo cam kết về thuế nhập khẩu của Việt Nam dành cho các nước, sản phẩm ô tô sẽ được xóa bỏ thuế vào năm thứ 13 đối với các loại ô tô mới. Riêng ô tô con có dung tích xi lanh từ 3.000 cc trở lên có lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 10.

 

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, đối với sắt, thép, xăng dầu nhập khẩu, thời gian áp thuế nhập khẩu 0% là vào năm 2029.

 

Nhựa và các sản phẩm nhựa, hóa chất và các sản phẩm hóa chất; giấy, đồ gỗ; máy móc, thiết bị phần lớn xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực là năm 2018, còn một số mặt hàng trong nhóm này sẽ tiếp tục được áp thuế nhập khẩu 0% vào năm 2022.

 

Duy nhất dệt may, giày dép xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Thịt gà xóa bỏ thuế nhập khẩu sau năm thứ 2029. Thịt lợn xóa bỏ thuế nhập khẩu thịt lợn tươi vào năm 2028 , còn đối với thịt lợn đông lạnh thì từ năm 2026. Gạo, phân bón xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Sữa và sản phẩm từ sữa: xóa bỏ ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực, một số xóa bỏ từ năm thứ 2021.

 

Đáng chú ý, trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm cam kết đối với dịch vụ chứng khoán và bảo hiểm.

 

Một trong những vấn đề được quan tâm là Việt Nam gia nhập TPP, nhiều dòng thuế nhập khẩu giảm, liệu giá cả hàng hóa có rẻ, Bộ Tài chính cho rằng, thuế chỉ là một trong rất nhiều yếu tố cấu thành nên giá hàng hóa. Thuế nhập khẩu giảm, chi phí giá thành cũng sẽ giảm, đây là yếu tố khuyến khích giảm giá hàng hóa. Tuy nhiên, giá cả hàng hóa còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như sức mua, chỉ số giá tiêu dùng, các khoản thuế, phí nội địa khác, giá nguyên liệu đầu vào…nên khó có thể khẳng định được hàng hóa có rẻ hơn khi gia nhập TPP.

 

Ông Vũ Nhữ Thăng cũng cho biết việc cắt giảm thuế quan mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường 11 nước trong TPP. Tuy nhiên, hiện thực hóa cơ hội như thế nào để chuyển hóa thành những hợp đồng xuất khẩu lại là vấn đề quan trọng.

 

Để tận dụng cơ hội từ TPP, Bộ Tài chính cho rằng cần phải tuyên truyền phổ biến về Hiệp định, những cam kết và cơ hội cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh chính sách trong nước tạo thuận lợi hóa cho xuất nhập khẩu, thương mại, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư; quản lý thị trường, xử lý công cụ phòng vệ thương mại, kiểm soát tốt hàng nhập khẩu.

 

Về những tác động của Hiệp đinh tới ngân sách, ông Thăng cho biết, trong quá trình thực hiện, thuế nhập khẩu giảm theo cam kết thì sẽ có tác động tới thu ngân sách. Tuy nhiên, mỗi hiệp định đều có tác động đa chiều, làm dịch chuyển thị trường xuất, nhập khẩu, nguồn thu ngân sách có thể giảm ở thị trường này nhưng có thể tăng ở thị trường khác.

 

Ông Thăng cho rằng quy mô thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu dự kiến vẫn ổn định trong ngắn hạn nhưng áp lực giảm thu có thể xuất hiện từ năm 2018. Tuy nhiên, ngoài thuế nhập khẩu và xuất khẩu, vẫn còn các khoản thu khác để bù đắp lại khoản hụt thu. Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị điều chỉnh chính sách nhằm điều chỉnh thu hợp lý, đảm bảo bền vững của cơ cấu thu ngân sách.

 

Cũng theo ông Vũ Nhữ Thăng thì dự kiến năm 2018, Hiệp định TPP sẽ có hiệu lực. “Bởi từ khi ký kết Hiệp định các nước phải hoàn thiện thủ tục trong nước để phê chuẩn. Thời điểm cam kết và giảm thuế theo lộ trình cam kết sẽ thực hiện khi hiệp định có hiệu lực", ông Thăng cho biết thêm.