Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng: Góp phần giảm thiểu rủi ro, tăng trưởng bền vững

09:45, 07/11/2015

Hướng đến mục tiêu chấn chỉnh, uốn nắn hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) theo đúng định hướng, quy định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng nói chung và Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Từ đó góp phần bảo đảm an toàn hoạt động, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng…  

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội thì hoạt động tài chính - ngân hàng diễn ra rất sôi động trên địa bàn tỉnh. Theo đồng chí Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh, hiện nay, các TCTD đang phát triển nhanh về quy mô và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ. Toàn tỉnh hiện có 21 chi nhánh ngân hàng thương mại, 1 Ngân hàng Chính sách xã hội, 1 Ngân hàng Phát triển, 2 quỹ tín dụng nhân dân và 1 tổ chức tài chính vi mô. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh tiền tệ vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi không ít chính sách đưa ra còn bộc lộ nhiều bất cập, không theo kịp thị trường, khiến hoạt động ngân hàng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, một trong những giải pháp quan trọng nhằm hạn chế tối đa những rủi ro đối với hoạt động tiền tệ, ngân hàng là phải quan tâm, chú trọng công tác thanh tra, giám sát.

 

Công tác thanh, kiểm tra đối với hoạt động ngân hàng chủ yếu có 2 hình thức, đó là thanh, kiểm tra thường xuyên theo kế hoạch và tiến hành đột xuất. Với người “ngoại đạo” có thể nghĩ, việc thanh, kiểm tra đột xuất thường được thực hiện đối với những TCTD có vấn đề, nhưng trên thực tế không phải như vậy. Đây là một trong những nghiệp vụ thường xuyên của NHNN đối với các TCTD cũng như của chính các TCTD để thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát nội bộ của TCTD đó. Được biết, đối với 1 chi nhánh ngân hàng, hàng năm, ngoài việc thanh, kiểm tra của NHNN Chi nhánh tỉnh, còn có các đoàn kiểm soát tuân thủ, kiểm toán nội bộ do Hội sở chính thực hiện và công tác kiểm tra, kiểm soát do nội bộ chi nhánh tiến hành hàng tháng, quý. Ngoài hình thức thanh, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên còn thực hiện thanh, kiểm tra khi TCTD có vấn đề như do có đơn thư phản ánh, do hiệu quả hoạt động không cao, nợ xấu vượt quá mức cho phép, thuộc diện kiểm soát đặc biệt,… Đối với tỉnh Thái Nguyên, hình thức thanh, kiểm tra này tuy có nhưng ít phát sinh.

 

Được biết, từ đầu năm 2014 đến hết tháng 10-2015, NHNN Chi nhánh tỉnh đã thực hiện 18 cuộc thanh tra, 44 cuộc kiểm tra tại các NHTM, 2 quỹ tín dụng nhân dân và 1 công ty tài chính. Qua đó, đã đưa ra 142 kiến nghị. Theo bà Đinh Thị Thanh Lạng, Chánh Thanh tra, giám sát NHNN Chi nhánh tỉnh, qua thanh, kiểm tra các lỗi thường gặp chủ yếu là về thủ tục hồ sơ cho vay, công tác thẩm định cho vay, tài sản bảo đảm, việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, xử lý các khoản nợ xấu… Nhìn chung, các sai phạm về cơ bản không mang tính chủ quan, cố ý, mà thường là những sai sót trong quá trình tác nghiệp hoặc do cán bộ làm trực tiếp chưa hiểu hết về nghiệp vụ. Do đó, các sai sót chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng và đều được khắc phục kịp thời. Để có được điều này, trong quá trình hoạt động, bản thân các ngân hàng đều rất quan tâm, chú trọng đến công tác thanh, kiểm tra, giám sát, bởi nếu để xảy ra bất kỳ sự cố nào thì không ai khác, chính ngân hàng đó sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên và trực tiếp nhất. Cũng theo bà Đinh Thị Thanh Lạng, việc thanh, kiểm tra của NHNN đối với các TCTD còn góp phần quan trọng để tạo ra một sân chơi bình đẳng, ở đó có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho khách hàng.

 

Đặc biệt, sau thanh, kiểm tra, kết quả sẽ được NHNN Chi nhánh tỉnh báo cáo về NHNN Việt Nam (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) và Hội sở chính của các đơn vị là đối tượng được thanh, kiểm tra. Căn cứ vào kết luận thanh tra, tùy mức độ vi phạm mà NHNN cũng như Hội sở của các ngân hàng sẽ đưa ra biện pháp xử lý. Trong trường hợp có vi phạm nặng, TCTD đó sẽ không được mở rộng mạng lưới, thậm chí trường hợp nghiêm trọng có thể phải ngừng kinh doanh hoặc chuyển cơ quan pháp luật xem xét, xử lý. Đối với các vi phạm có thể chỉnh sửa, NHNN sẽ cho đơn vị một khoảng thời gian để thực hiện, sau đó sẽ tiến hành phúc tra lại việc khắc phục, chỉnh sửa đó.  

 

Qua trao đổi với một số lãnh đạo chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh, điều chúng tôi dễ dàng nhận thấy là sự coi trọng công tác thanh, kiểm tra. Theo ông Vũ Chí Dũng, Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam Chi nhánh Thái Nguyên, qua công tác thanh, kiểm tra, đơn vị sẽ xem xét được về tính tuân thủ trong hoạt động, đồng thời chỉ ra thiếu sót để phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra. Qua mỗi đợt thanh, kiểm tra, các cán bộ trong đơn vị có thêm một lần được rà soát nghiệp vụ đã thực hiện; còn với lãnh đạo thì có thêm cơ hội để đánh giá lại toàn diện hoạt động của đơn vị mình, biết được cán bộ nào làm tốt, chưa tốt, trên cơ sở đó có biện pháp khắc phục mặt hạn chế và phát huy mặt mạnh cho đơn vị mình. Qua 8 năm hoạt động trên địa bàn tỉnh (từ tháng 10-2007), chúng tôi nhận thấy, chất lượng thanh, kiểm tra và giám sát của NHNN Chi nhánh tỉnh ngày càng được nâng cao và đi vào chiều sâu; qua đó giúp cho các TCTD trên địa bàn có thêm nhiều bài học quý trong việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ, giúp giảm thiểu rủi ro, tăng trưởng và phát triển bền vững.

 

Có thể thấy, công tác thanh, kiểm tra đã và đang góp phần mang lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Do đó, trong thời gian tới, bên cạnh tăng cường về số lượng cán bộ, NHNN Chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, đào tạo nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ công tác này. Đồng thời, cùng với hoạt động thanh, kiểm tra trực tiếp tại TCTD, hoạt động giám sát từ xa sẽ là một kênh thu thập, nắm bắt, phân tích thông tin quan trọng để phát hiện nhanh nhất các dấu hiệu sai sót có thể xảy ra. Bên cạnh đó, cứ 3 năm một lần sẽ tiến hành thanh tra toàn diện đối với mỗi TCTD trên địa bàn, qua đó củng cố niềm tin của khách hàng, doanh nghiệp đối với hệ thống ngân hàng nói chung, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng nói riêng, góp phần bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của các TCTD, nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý Nhà nước của NHNN trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng…