Những năm qua, trên cơ sở tự nguyện của các thành viên, với cùng mục đích trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mô hình Tổ hợp tác (THT) Táo xuân 21 và THT trồng hoa chất lượng cao ở xã Đồng Liên (Phú Bình) đã phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho các hộ dân nơi đây.
THT Táo xuân 21 được thành lập năm 2014 gồm 14 tổ viên ở 2 xóm Đá Gân và Thùng Ong tham gia, diện tích trồng táo chỉ gần 4ha. Qua 3 năm, THT đã có 25 tổ viên tham gia với tổng diện tích trồng táo tăng lên gấp đôi. Ông Nguyễn Văn Hữu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Liên cho biết: Cây táo xuân 21 xuất hiện trên đất Đồng Liên từ năm 2002 do ông Vũ Ngọc Nhân ở xóm Đá Gân đem về trồng tại vườn nhà. Đây là loại táo được đánh giá có nhiều ưu điểm, quả to có vị ngọt dịu, trọng lượng trung bình 10-15 quả/kg, giá bán cao gấp 2-3 lần táo thường. Do vậy, một số hộ dân ở xóm Đá Gân, Thùng Ong đã đưa giống cây này vào trồng. Năm 2013, từ nhu cầu thực tế của người dân mong muốn có một môi trường sinh hoạt, trao đổi thông tin, kinh nghiệm về trồng táo xuân, đồng thời, thực hiện Chương trình Xây dựng Nông thôn mới, Hội Nông dân xã đã tập hợp các hộ dân trồng táo, hướng dẫn các thủ tục đề nghị UBND xã chứng thực thành lập. Chủ nhiệm của THT là ông Vũ Ngọc Nhân, người được coi là giàu kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc, cắt ghép tạo ra giống cây. Hiện nay, gia đình ông Nhân có trên 40 sào táo, trung bình mỗi năm nguồn thu từ việc bán quả và cây giống cho thu lợi từ 500-700 triệu đồng.
Theo ông Vũ Ngọc Nhân thì: Với mục tiêu giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống, chúng tôi đã xây dựng, thống nhất phương thức hoạt động, tổ chức các cuộc họp định kỳ 3-4 lần/năm để các tổ viên có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Từ đó đã thu hút thêm nhiều bà con tham gia mô hình, mở rộng diện tích trồng, chất lượng, năng suất táo ngày càng được cải thiện. Giá bán được thống nhất chung và tăng giảm theo giá thị trường, vì thế những hộ mới trồng và trồng lâu năm đều được hưởng lợi chung, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ tổ viên, nhiều hộ đã thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Đơn cử như gia đình anh Lưu Văn Các, xóm Thùng Ong, tổ viên của Tổ hợp tác táo xuân 21. Anh Các chia sẻ: Từ khi THT được thành lập, chúng tôi có nhiều cơ hội tham gia các lớp tập huấn kiến thức khoa học về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây và được các thành viên trong tổ trực tiếp hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm. Đặc biệt là chúng tôi được ông Nhân bán cây giống với giá ưu đãi 20%, tiết kiệm được 1 phần chi phí, những hộ khó khăn thì được ứng trước cây giống và trả tiền vào mùa thu hoạch năm sau. Với những ưu ái đó, đầu năm 2014, gia đình tôi đã trồng thêm trên 300 gốc táo, hiện nay trong vườn nhà tôi có 500 gốc táo, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Năm 2015 gia đình tôi đã thoát được nghèo và xây dựng được nhà cửa khang trang.
Dời xóm Đá Gân và Thùng Ong, chúng tôi đến xóm Đồng Tâm, nơi có Tổ hợp tác hoa chất lượng cao. Ở đây, 100% tuyến đường liên xóm đã được bê tông hóa, nhà văn hóa được xây dựng khang trang đạt chuẩn, xóm có trên 160 hộ dân thì chỉ còn 8 hộ nghèo. Đó là những thông tin mà anh Nguyễn Mạnh Tưởng, Tổ trưởng THT hoa chất lượng cao, Phó xóm Đồng Tâm chia sẻ với chúng tôi. Cũng được thành lập trong năm 2014, đến nay THT hoa chất lượng cao có 23 tổ viên tham gia với diện tích trồng hoa là 3ha (tăng 2ha so với ban đầu). Tham gia THT, các tổ viên đã chủ động học hỏi, chia sẻ kỹ thuật trồng chăm sóc hoa, mạnh dạn đưa giống hoa mới vào trồng như hoa ly, hoa đồng tiền. Nhờ đó mà đời sống của các hộ dân khấm khá hơn, tích cực đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới. Thông qua THT, các tổ viên được cung cấp cây giống, vật tư uy tín, đảm bảo về chất lượng. Nhiều hộ đã tăng diện tích trồng như hộ ông Đỗ Xuân Đạt, Dương Văn Vĩnh, Dương Văn Minh, trung bình mỗi hộ có trên 5 sào... Ông Đỗ Xuân Đạt, tổ viên của Tổ cho biết: Ban đầu, năm 2011, 2012 tôi chỉ trồng hơn 1 sào hoa cúc, 1 năm 3 vụ trồng thì cả 3 vụ vợ tôi đều phải cắt đem ra chợ bán dong. Từ khi vào THT, tôi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn trồng các loại hoa ly, hoa đồng tiền nên nay tôi đã mở rộng lên 5 sào, đến vụ có người thu hái tận vườn, giá bán ổn định hơn. Chỉ tính riêng hoa cúc, trung bình mỗi năm cũng thu lãi trên 30 triệu đồng/sào, không vất vả như trồng lúa mà thu nhập cao hơn nhiều lần.
Nói về hiệu quả của các THT, ông Nguyễn Trọng Luyện, Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định: Loại hình kinh tế tập thể này là biện pháp hữu hiệu giúp phát huy nguồn lao động dồi dào, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân, nhất là ở xã thuần nông như xã chúng tôi. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt trên 23 triệu đồng/năm (tăng 14 triệu đồng so với năm 2010). Xã chúng tôi đã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới vào năm 2015. Với mục tiêu giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020, tháng 9 vừa qua chúng tôi đã cho thành lập thêm THT chăn nuôi ở xóm Thùng Ong với 29 tổ viên. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục quan tâm, phát triển các mô hình tổ hợp tác này nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.