Tái cơ cấu để phát triển

16:48, 02/02/2017

Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình giao thông Thái Nguyên (trực thuộc UBND tỉnh) đã giữ vững được bộ máy từ khi cổ phần hoá đến nay. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường buộc doanh nghiệp này phải tiến hành tái cơ cấu lại bộ máy để tồn tại và phát triển. Trong đó, việc chia tách các bộ phận nghiệp vụ để thành lập công ty con, đội thi công trực thuộc nhằm chuyên nghiệp hoá các lĩnh hoạt động của Công ty được đánh giá là có hiệu quả bước đầu…

Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng Công trình giao thông Thái Nguyên đã tiến hành cổ phần hoá từ năm 2003 nhưng từ năm 2015 trở về trước, tổ chức, cơ cấu bộ máy vẫn được duy trì ổn định như thời kỳ 100% vốn Nhà nước. Những năm đầu cổ phần hoá, Công ty khá thuận lợi khi vẫn được ngành chức năng của tỉnh giao quản lý, bảo trì các tuyến đường tỉnh, tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh (chiều dài 400km); xây dựng một số công trình giao thông, thuỷ lợi do Sở Giao thông - Vận tải hoặc UBND cấp huyện trong tỉnh làm chủ đầu tư. Do vậy, nguồn vốn từ các công trình có vốn ngân sách Nhà nước đáp ứng phần lớn doanh thu của Công ty hàng năm, đời sống của cán bộ, công nhân Công ty không cao nhưng ổn định...

 

Tuy nhiên, những năm gần đây lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh có sự cạnh tranh của nhiều thành phần kinh tế nên số công trình có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 50% doanh thu của Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình giao thông Thái Nguyên. Để đảm bảo đủ việc làm, thu nhập cho 154 cán bộ, công nhân, Công ty đã phải tìm kiếm thị trường bên ngoài tỉnh thông qua các gói thầu thi công xây dựng các công trình dân dụng, hạ tầng kỹ thuật và kinh doanh thương mại khác (việc làm không nhiều do vốn điều lệ của Công ty rất thấp). Đặc biệt, từ năm 2015, công tác bảo trì đường bộ được ngành chuyên quản triển khai đấu thầu cạnh tranh nên việc làm, thu nhập của người lao động và doanh thu, lợi nhuận của Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng giao thông Thái Nguyên có nguy cơ giảm sút.

 

Đứng trước những thách thức đó, Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình giao thông Thái Nguyên đã đưa ra các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp. Việc làm đầu tiên là ban lãnh đạo Công ty tuyên truyền, giáo dục để phát huy tinh thần làm chủ, sáng tạo của người lao động. Mặt khác, ban lãnh đạo Công ty tiến hành rà soát nhằm kiện toàn lại bộ máy hoạt động theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp hoá các lĩnh vực, ngành nghề đã được cấp phép kinh doanh, bổ sung ngành nghề mới phù hợp với khả năng của đơn vị. Trong quá trình sắp xếp, đổi mới, lãnh đạo Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình giao thông Thái nguyên đã dựa trên những tiêu chí, cơ sở vững chắc, như: Kết quả kiểm toán độc lập định kỳ, kết quả tự đánh giá của doanh nghiệp hàng năm… để xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu giải pháp cho từng giai đoạn, rồi lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị trực thuộc. Từ đó, ban lãnh đạo Công ty tổng hợp, thảo luận lần cuối, thống nhất ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện trong toàn doanh nghiệp.

 

Một giải pháp mang tính đột phá là Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình giao thông Thái Nguyên đã tiến hành tinh gọn theo hướng nhất thể hoá cán bộ lãnh đạo, quản lý theo nguyên tắc, quy định nhưng giảm bớt được đầu mối, sự chồng chéo. Đồng thời, ban lãnh đạo Công ty tiến hành thành lập các công ty con trực thuộc, phát triển một số hạt quản lý đường bộ, đội thi công để giao khoán phần việc, nâng khả năng tự chủ một số mặt, khuyến khích tăng thu nhập cho người lao động trên cơ sở kết quả sản xuất kinh doanh… Điều này đã gắn quyền lợi với trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, các bộ phận trực thuộc Công ty. Do đó, chủ trương, chiến lược của lãnh đạo Công ty đưa ra được người quản lý các bộ phận, người lao động cụ thể hoá bằng kết quả việc làm, công trình xây dựng đảm bảo chất lượng, tiến độ.

 

Trong năm 2016, Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình giao thông Thái Nguyên chưa hết khó khăn nhưng sự thay đổi về cơ chế chính sách đã giúp doanh nghiệp giữ ổn định bộ máy, có hướng phát triển mới. Phần vốn Nhà nước được bảo toàn và các chỉ tiêu về việc làm, thu nhập cho 154 cán bộ, người lao động (bình quân đạt 4 triệu đồng/người/tháng); doanh thu đạt gần 40 tỷ đồng/năm; nộp ngân sách trên 800 triệu đồng/năm và chia cổ tức đạt 8%/năm, không có nợ đọng quá hạn…

 

Tuy nhiên, để doanh nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế, đứng vững và vươn lên trong cơ chế thị trường, trong năm 2017, Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình giao thông Thái Nguyên tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp. Đồng chí Phạm Kim Anh, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình giao thông Thái Nguyên cho biết: Trong môi trường, điều kiện kinh doanh hiện nay đòi hỏi lãnh đạo cho đến người lao động của doanh nghiệp phải năng động, làm việc trách nhiệm và hiệu quả cao nhất. Do vậy, chúng tôi đang thực hiện phương án tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng tiếp tục tinh gọn bộ máy, nhất thể hoá một số chức danh; phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên gấp đôi. Công ty đã thành lập thêm công ty trực thuộc, đội sản xuất nhằm chuyên biệt các lĩnh vực có ưu thế để giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh, hiệu quả trong kinh doanh. Chỉ có như vậy, Công ty mới đủ khả năng về tài chính, nhân lực, chuyên môn để tiến tới tham gia các dự án BOT, BT lớn, trọng điểm hoặc dự án có vốn đầu tư nước ngoài…

 

Còn đồng chí Hoàng Minh Thảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng công trình Thái Nguyên (công ty con trực thuộc Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình giao thông Thái Nguyên) cho biết: Sau hơn 1 năm thành lập, chúng tôi đã từng bước hoạt động ổn định và nhận thấy đây là hướng đi đúng vì phát huy được lợi thế của đơn vị. Việc lãnh đạo công ty mẹ giao nhiều thẩm quyền đã giúp chúng tôi chủ động trong kinh doanh, tận dụng được cơ hội, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, tiến tới có đóng góp trở lại đơn vị chủ quản.

 

Con đường phát triển của Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình giao thông Thái Nguyên còn gập ghềnh, khó khăn nhất định nhưng việc mạnh dạn tái cơ cấu sẽ tránh được phá sản, bước đầu tạo dựng uy tín trong thương trường. Đây sẽ là nền tảng để doanh nghiệp này phát triển, đón đầu các dự án lớn đã, đang và sẽ đầu tư vào tỉnh.