Nhằm giúp người chăn nuôi tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật để đạt hiệu quả cao trong sản xuất, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên triển khai mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu theo hướng hữu cơ tại 2 xã Phủ Lý và Yên Đổ (Phú Lương). So với chăn nuôi truyền thống, nuôi gà theo hướng hữu cơ đem lại hiệu quả rõ rệt, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên kiểm tra mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu theo hướng hữu cơ tại xã Phủ Lý (Phú Lương). |
Mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu theo hướng hữu cơ được triển khai từ cuối tháng 4-2022, tại 2 đơn vị là Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp Khánh Mai (xã Yên Đổ) và Tổ hợp tác chăn nuôi Hiệp Hòa (xã Phủ Lý). Mô hình có quy mô 7.000 con gà lai chọi.
Ngay từ những ngày đầu tham gia mô hình, các hộ chăn nuôi đã nhận được sự tư vấn, giám sát nhiệt tình của cán bộ Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên, được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi theo quy trình VietGAP. Ngoài ra, bà con còn được hỗ trợ 70% chi phí mua con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, vắc-xin phòng bệnh và hóa chất khử trùng. Bên cạnh đó, tất cả các khâu, quy trình sản xuất, từ con giống, thức ăn, đệm lót sinh học, diện tích chuồng trại và các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi… đều phải tuân thủ theo quy chuẩn và được cán bộ kỹ thuật giám sát chặt chẽ.
Kết quả, sau 4 tháng triển khai thực hiện, đàn gà của các hộ tham gia mô hình sinh trưởng, phát triển tốt, đồng đều. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc HTX chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp Khánh Mai, nhìn nhận: Trước đây, khi chăn nuôi theo phương thức truyền thống, gà rất dễ nhiễm bệnh và phải dùng nhiều thuốc kháng sinh. Còn giờ, khi chúng tôi chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, đàn gà khoẻ mạnh, ít bị nhiễm bệnh, chất lượng thịt chắc, thơm, ngon. Ngoài ra, sản phẩm còn được Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật và huấn luyện nghiệp vụ chất lượng nông, lâm, thủy sản (Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Thái Nguyên) cấp Giấy chứng nhận quy trình thực hành chăn nuôi tốt - VietGAHP.
Còn chị Nguyễn Thị Ly, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi Hiệp Hòa, chia sẻ: Tham gia mô hình, bà con nhận thấy có những tác động tích cực đến môi trường. Chất thải chăn nuôi được xử lý bằng phương pháp ứng dụng chế phẩm sinh học nên không có mùi hôi, tạo vùng sản xuất bảo đảm chất lượng, an toàn. Về hiệu quả kinh tế, sau khi trừ chi phí, ước tính, mỗi con gà cho thu lãi khoảng 20 đến 25 nghìn đồng.
Hiện nay, đàn gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh duy trì khoảng trên dưới 14 triệu con. Đây là nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ chăn nuôi. Tuy nhiên, trong chăn nuôi gia cầm vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục, như: Ô nhiễm do chăn nuôi gây ra, chất thải ở các cơ sở, hộ chăn nuôi chưa được xử lý đúng cách và triệt để, ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái và môi trường sản xuất nông nghiệp; tiềm ẩn rủi ro dịch bệnh, mất an toàn vệ sinh thực phẩm... Chính vì vậy, việc tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp cận các dịch vụ, ứng dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật, nâng cao nhận thức để tạo tiền đề phát triển chăn nuôi hữu cơ là phù hợp với định hướng chăn nuôi của tỉnh Thái Nguyên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên cho biết: Sau thành công của mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu theo hướng hữu cơ tại 2 xã Phủ Lý và Yên Đổ, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức cho bà con nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm nhằm lan tỏa cách làm hiệu quả này cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Từ đó, thúc đẩy ngành Chăn nuôi gia cầm phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, đem lại giá trị kinh tế cao.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin