Đại Từ khẳng định chất lượng sản phẩm chủ lực

Thu Huyền 08:46, 18/08/2022

Nhờ biết khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, Đại Từ là địa phương có số lượng sản phẩm được chứng nhận và xếp hạng sản phẩm OCOP thuộc tốp đầu của tỉnh. Không chỉ đa dạng về chủng loại, các sản phẩm còn liên tục được đầu tư nâng cao chất lượng, từng bước khẳng định vị thế, uy tín trên thị trường.

Người dân thu hái chè trồng theo phương pháp hữu cơ tại xã Phục Linh.
Người dân thu hái chè trồng theo phương pháp hữu cơ tại xã Phục Linh.

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cùng sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, cây chè đã phủ khắp đồi, bãi của huyện Đại Từ (hơn 6.600ha). Là cây trồng chủ lực, chè đã đem lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân nơi đây.

Thực hiện Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, năm 2021, huyện đã thực hiện quy hoạch vùng sản xuất chè gắn với du lịch sinh thái tại 3 xã: Phú Xuyên, Hoàng Nông, La Bằng với quy mô 140ha; hỗ trợ người dân 560 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho gần 30ha chè, nâng tổng diện tích chè có lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm toàn huyện lên trên 1.400ha…

Bên cạnh đó, huyện khuyến khích người dân canh tác chè theo hướng an toàn. Năm 2021, trên 150ha chè của huyện được cấp chứng nhận VietGAP, nâng tổng diện tích chè VietGAP toàn huyện lên gần 1.100ha.

Hiện nay, Đại từ đã có 53 làng nghề chè, 16 doanh nghiệp, 28 hợp tác xã (HTX) và 74 tổ hợp tác cùng nhiều gia đình chuyên sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ chè.

Những năm gần đây, các doanh nghiệp, HTX tập trung chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm chè chất lượng cao. Các sản phẩm sau chế biến có bao bì, nhãn mác, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, công bố chất lượng sản phẩm. Đến nay, huyện có 5 đơn vị được chứng nhận nhãn hiệu, 13 đơn vị đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

Chất lượng các sản phẩm chè tiếp tục được khẳng định khi trong số 26 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh xếp hạng thì có tới 19 sản phẩm chè. Trong đó, 14 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao, 5 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao.

Tham gia Chương trình OCOP của tỉnh năm 2021, 3 sản phẩm của HTX Chè sạch Quang Minh ở xã Phú Cường đã được công nhận OCOP 4 sao. Anh Nguyễn Quang Minh, Giám đốc HTX cho biết: Đây là cơ hội để HTX có thêm điều kiện thuận lợi trong tiếp cận, mở rộng thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Để có sản phẩm hợp thị hiếu, đảm bảo chất lượng, trước đó, tôi đã đầu tư trên 1 tỷ đồng thay thế các loại tôn đen, máy vò đã cũ, năng suất thấp bằng máy móc hiện đại và xây dựng vùng nguyên liệu tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, tôi đặc biệt chú trọng đầu tư thiết kế bao bì để tạo nét riêng cho các sản phẩm của HTX…

Ngoài chè, huyện còn có vùng trồng cây ăn quả tập trung, rộng lớn tại xã Quân Chu, thị trấn Quân Chu, xã Tiên Hội… tổng diện tích gần 600ha với 2 cây trồng chủ lực là bưởi và nhãn. Năm 2021, diện tích bưởi là gần 370ha, sản lượng ước đạt 4.400 tấn với giá trị ước đạt 230 triệu đồng/ha. Với trên 230ha nhãn, sản lượng năm 2021 ước đạt gần 1.100 tấn quả, giá trị đạt 180 triệu đồng/ha.

Cùng với đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho bà con, huyện còn đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGAP cho cây ăn quả tại vùng sản xuất tập trung với gần 70ha bưởi, nhãn.

Các sản phẩm từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản phẩm từ gỗ cũng được huyện quan tâm, phát triển thành sản phẩm chủ lực của các địa phương có lợi thế. Năm 2021, gần 6,9 tỷ đồng đã được huyện triển khai hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực.

Song hành với nâng cao chất lượng, huyện đặc biệt quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại cho các sản phẩm. Đầu tháng 8 vừa qua, Điểm trưng bày và bán sản phẩm nông nghiệp chủ lực, OCOP của huyện Đại Từ (Điểm trưng bày) được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Các sản phẩm được giới thiệu tại Điểm trưng bày và bán sản phẩm nông nghiệp chủ lực, OCOP của huyện Đại Từ.
Các sản phẩm được giới thiệu tại Điểm trưng bày và bán sản phẩm nông nghiệp chủ lực, OCOP của huyện Đại Từ.

Với vị trí ở trung tâm huyện cùng cách bài trí đẹp mắt, Điểm trưng bày thu hút nhiều khách hàng đến tham quan, mua sắm. Bà Lê Thị Hiển, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thông tin: Việc xây dựng Điểm trưng bày là nhằm tạo ra một địa điểm tin cậy, hội tụ các sản phẩm có chất lượng. Từ đó quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài huyện. Với trên 150m2, gồm gian trưng bày và bán sản phẩm; gian thưởng trà, chúng tôi bày bán trên 20 loại sản phẩm đã được chứng nhận OCOP và sản phẩm chủ lực. Thời gian tới, Trung tâm có kế hoạch làm việc với các địa phương khác trong tỉnh để phối hợp quảng bá các sản phẩm, đồng thời gia tăng số lượng, chủng loại sản phẩm trưng bày…

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn cũng tích cực quảng bá sản phẩm trên các website, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử… Đồng thời đầu tư thay đổi mẫu mã để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Ông Triệu Hồ Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin: Phát triển các sản phẩm chủ lực là một trong những giải pháp quan trọng trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp. Thời gian tới, huyện tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ các vùng sản xuất sản phẩm chủ lực; chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực… Giai đoạn 2021-2025, huyện phấn đấu mỗi xã có ít nhất 1 sản phẩm được công nhận OCOP, toàn huyện có thêm từ 25 sản phẩm trở lên được công nhận, trong đó có ít nhất 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao.