Sản xuất trong các khu công nghiệp: Thích ứng để tăng tốc

Minh Phương 07:30, 26/08/2022

Đại dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất và thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh Thái Nguyên đang trên đà phục hồi, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Với chiến lược sản xuất, kinh doanh thích ứng trong điều kiện mới, các doanh nghiệp đã tạo ra những sản phẩm chất lượng, cung ứng kịp thời cho thị trường trong và ngoài nước…

Sản xuất các loại băng, phim, xốp và các phụ kiện khác dùng cho xe ô tô, điện thoại di động và các thiết bị điện tử tại Công ty TNHH SAMJU VINA thuộc Khu công nghiệp Điềm Thụy.

Ngay khi dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh được kiểm soát, thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh của Chính phủ, các doanh nghiệp nhanh chóng củng cố lại tổ chức, tuyển dụng thêm nhân lực, tái khởi động lại một số dây chuyền sản xuất. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng sản xuất, tìm kiếm thêm các đơn hàng để tiêu thụ sản phẩm.

Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (SEMV) là một trong những doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng với tình hình mới như vậy. Là doanh nghiệp của Hàn Quốc, hoạt động tại KCN Yên Bình từ năm 2015, chuyên sản xuất các linh kiện điện tử, 6 năm qua, tổng vốn đầu tư đã thực hiện của SEMV là 1.350 triệu USD. Công ty hiện đang tạo việc làm cho trên 6.300 lao động.

Ngay sau khi quay trở lại trạng thái bình thường mới, SEMV đã gia tăng vốn đầu tư để mở rộng nhà xưởng sản xuất. Năm 2022, SEMV đăng ký đầu tư thêm 1.187 triệu USD với mục tiêu chính là sản xuất và lắp ráp các loại sản phẩm bảng mạch điện tử kết nối mật độ cao (FPCB, Main board, FCBGA…) và linh kiện, phụ tùng (camera Module, thấu kính, actuator, bộ nắn điện, touch sensor module, linear motor, WPT...) cho các loại thiết bị viễn thông và thiết bị di động công nghệ cao cùng những sản phẩm điện và điện tử khác…

Sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Công ty TNHH Phát triển năng lượng Trina Solar ở Khu công nghiệp Yên Bình.
Sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Công ty TNHH Phát triển năng lượng Trina Solar ở Khu công nghiệp Yên Bình.

 Đối với các doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh, các đơn vị này đang tích cực mở rộng nhà xưởng, tăng cường sản xuất, đảm bảo các đơn hàng đã được ký kết. 7 tháng đầu năm 2022, Ban quản lý các KCN tỉnh đã điều chỉnh 12 lượt Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tăng tổng vốn đầu tư cho các dự án. Tổng vốn được điều chỉnh tăng thêm là 1.200,48 triệu USD và 74,5 tỷ đồng.

Điển hình như: Dự án Nhà máy sản xuất ngoại thất Grand Leisure (KCN Yên Bình); Dự án Nhà máy Wits Vina (KCN Điềm Thụy); Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Young Jin Hi-Tech Việt Nam (KCN Điềm Thụy); Dự án Nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy và các sản phẩm máy công nghiệp (KCN Sông Công I)... Bên cạnh đó, các KCN của tỉnh còn thu hút 4 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư là 319,5 triệu USD và 7 dự án DDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.063,5 tỷ đồng. 

Tính đến hết tháng 7-2022, toàn bộ doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh đều hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, nhiều chỉ tiêu đạt kết quả tích cực. Cụ thể, doanh thu của các doanh nghiệp trong các KCN đạt trên 24 tỷ USD, tăng hơn 13 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021; nộp ngân sách gần 6.000 tỷ đồng, tăng 1.750 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021; giá trị xuất khẩu đạt gần 20 tỷ USD; giá trị nhập khẩu đạt 11,1 tỷ USD; tạo việc làm cho khoảng 98.788 lao động...

Đánh giá về triển vọng tăng trưởng trong quý III và cả năm 2022, nhiều doanh nghiệp cho rằng, dịch bệnh đã được kiểm soát, Thái Nguyên đang trên đà phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh và chuỗi cung ứng toàn cầu đã được khơi thông. Do đó, nhiều doanh nghiệp tại Thái Nguyên dự kiến sẽ mở rộng sản xuất thông qua nhận đơn đặt hàng mới tăng mạnh trong quý III/2022 và cả năm 2022. Những kết quả đã đạt được cho thấy triển vọng "về đích" các chỉ tiêu kế hoạch năm thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp rất khả quan, đồng thời sẽ mở ra lợi thế để các doanh nghiệp gia tăng chỉ tiêu tăng trưởng.