Tạo động lực phát triển mới cho phía Đông huyện Đồng Hỷ

Minh Phương 09:10, 24/08/2022

Được xác định là trung tâm chuyên ngành về kinh tế, văn hóa, tài chính ở phía Đông của Đồng Hỷ, những năm gần đây, thị trấn Trại Cau đã có những bước chuyển tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, hoạt động dịch vụ - thương mại phát triển nhanh chóng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao...

Tuyến đường đôi ở trung tâm thị trấn Trại Cau được đầu tư mở rộng, khang trang, tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển thương mại, dịch vụ.
Tuyến đường đôi ở trung tâm thị trấn Trại Cau được đầu tư mở rộng, khang trang, tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển thương mại, dịch vụ.

Thị trấn Trại Cau chính thức được thành lập ngày 19/10/1962, với diện tích tự nhiên gần 700ha. Cách đây 60 năm, Trại Cau vẻn vẹn có 51 hộ dân và hơn 250 nhân khẩu, cùng 2.000 cán bộ, công nhân viên chức của Mỏ sắt Trại Cau - nơi khai thác, cung cấp nguyên liệu lớn nhất cho Khu Liên hiệp Gang thép Thái Nguyên thời bấy giờ.

Nhớ lại những năm đầu thị trấn mới thành lập, ông Nghiêm Sơn Hà, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau, kể: Ngày còn nhỏ, tôi nhớ nhất là hình ảnh đêm đến, Trại Cau chan hòa ánh điện. Điện lấp lánh trong vòm cây, trên sườn đồi... Lúc đó, ánh điện là một đặc sản quý chỉ có ở thành phố lớn và các khu công nghiệp.

Sau nhiều niên kỷ theo đuổi cơ cấu kinh tế công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và nông - lâm nghiệp, đến nay, thị trấn Trại Cau đã xây dựng kế hoạch dài hơi, chuyển mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội từ sản xuất công nghiệp, khai thác mỏ sang đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại và du lịch để tạo việc làm ổn định cho bà con nhân dân, góp phần cải thiện cuộc sống, bảo vệ môi trường… 

Những năm gần đây, thị trấn thực hiện tốt những chính sách ưu đãi của tỉnh và huyện Đồng Hỷ, tạo cơ chế thông thoáng, cải cách hành chính, kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư, khuyến khích người dân mở rộng các loại hình kinh doanh, buôn bán. Ngoài 20 doanh nghiệp cổ phần, tư nhân đang hoạt động trên địa bàn, thị trấn còn thu hút được nhiều dự án, như: Nhà máy may ở tổ 7; Khu du lịch Sinh thái - Văn hóa Đá Thiên; Khu phức hợp thể thao và các dự án quy hoạch khu dân cư tập trung…

Trong đó, điển hình phải kể đến Dự án Khu du lịch Sinh thái - Văn hóa Đá Thiên, với tổng vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng, quy mô 300ha. Ông Đỗ Khắc Thân, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Mỹ thuật Thiên Phúc - chủ đầu tư Dự án, khẳng định: Sau nhiều tâm huyết, nỗ lực của chủ đầu tư cùng sự quan tâm, vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, Dự án đã triển khai xây dựng các hạng mục theo kế hoạch. Chúng tôi dự kiến Khu du lịch sẽ sớm đón những đợt khách đến tham quan đầu tiên vào đầu năm 2023 và tiếp tục triển khai các giai đoạn tiếp theo của Dự án. Các hạng mục: Nhà điều hành, cổng tam quan, tôn tạo, tu bổ đền ông Hoàng Bảy; nhà ga xe điện, khu dịch vụ ki-ốt bán hàng... sẽ đi vào hoạt động từ năm 2023. 

Trên địa bàn thị trấn Trại Cau hiện có trên 450 cơ sở kinh doanh dịch vụ, thương mại với các loại hình kinh doanh như: Vật liệu xây dựng, vàng bạc, ăn uống, cơ khí, dịch vụ vận tải, kinh doanh tổng hợp...  Các cơ sở này đang tạo việc làm cho trên 500 lao động địa phương, với thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng/người/tháng trở lên. 

Ông Trần Trọng Nghĩa, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân vàng Trọng Nghĩa, cho hay: Hiện thị trấn đã có Câu lạc bộ kinh doanh tổng hợp. Các doanh nghiệp, chủ cửa hàng đều xác định tiêu chí hoạt động là kinh doanh, phát triển, cạnh tranh lành mạnh để đưa kinh tế gia đình phát triển, đồng hành cùng sự đi lên của thị trấn. 

Bên cạnh đó, mặc dù diện tích đất nông nghiệp giảm do phát triển công nghiệp, đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, song thị trấn Trại Cau vẫn đảm bảo an ninh lương thực, sản xuất nông, lâm nghiệp chuyển dần theo hướng sản xuất hàng hóa. Những năm qua, thị trấn tập trung tuyên truyền, khuyến khích người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống cây, con có chất lượng cao vào sản xuất. Đồng thời tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhân dân tập trung phát triển kinh tế vườn đồi, phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết, bảo đảm vệ sinh môi trường. Một số mô hình kinh tế mới như: Trồng măng tre lục trúc, đưa cây thanh long lên vườn đồi, trồng rừng gỗ lớn... đã được nhân rộng. Nghề nuôi ong lấy mật phát triển với tổng số 800 đàn; phát triển đàn thỏ (thịt) lên 2.000 con; duy trì 13 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn…

Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đời sống người dân thị trấn Trại Cau được nâng lên đáng kể. Nếu như năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của thị trấn chỉ đạt 38,4 triệu đồng/người/năm thì năm 2021 đã tăng lên 65 triệu đồng/người/năm, thuộc top đầu của huyện; thu ngân sách hằng năm tăng từ 10-15%; hộ nghèo giảm xuống còn dưới 2%... Đến nay, 99% đường trong khu dân cư được bê tông hóa; 100% các tổ dân phố có cụm loa truyền thanh, nhà văn hóa và sân chơi thể dục thể thao... Năm 2023, thị trấn Trại Cau phấn đấu đạt chuẩn văn minh đô thị.