Tập trung phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa

Khánh Thiện 15:26, 25/08/2022

Vụ mùa năm 2022, bà con nông dân Thái Nguyên gieo cấy được 38,3 nghìn ha lúa, bằng 98,9% kế hoạch, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân giảm là do một số diện tích đất nông nghiệp đã được chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra, đánh giá tình hình sâu bệnh gây hại lúa mùa tại cánh đồng xã Cù Vân (Đại Từ).
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra, đánh giá tình hình sâu bệnh gây hại lúa mùa tại cánh đồng xã Cù Vân (Đại Từ).

Hiện nay, diện tích lúa mùa sớm đang trong giai đoạn trỗ bông, lúa mùa trung ở giai đoạn đứng cái - làm đòng, còn lúa mùa muộn đã đứng cái.

Những ngày qua, thời tiết nắng, mưa xen kẽ là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại. Cụ thể: Rầy các loại với mật độ trung bình 100-250 con/m2, nơi cao 350-800 con/m2; bệnh khô vằn có tỷ lệ hại trung bình từ 3-5%, nơi cao từ 10-15%, cục bộ trên 30% dảnh lúa bị hại (Phú Bình, Đại Từ, TP. Thái Nguyên). Ngoài ra, bệnh vàng lụi xuất hiện rải rác trên các trà lúa với tỷ lệ hại trung bình 2,6%, nơi cao 4,9% dảnh hại.

Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo bà con tăng cường kiểm tra đồng ruộng, tiến hành phun phòng, trừ sâu bệnh kịp thời. Cụ thể, đối với rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ, bà con sử dụng một trong các loại thuốc như: Applaud 25WP; Bassa 50EC; Dibacide 50EC; Sutin 5EC, 50WP... để phun phòng trừ.

Đối với bệnh khô vằn, bà con sử dụng các loại thuốc đặc hiệu: Validacin 5SL; Vali 5SL; Saizole 5SC... Đối với bệnh vàng lụi, tại những ruộng nhiễm bệnh nặng, bà con cày lật úp hoặc thu gom lúa đem đốt, trước khi tiêu hủy cần phun thuốc trừ rầy xanh đuôi đen.

Ngoài ra, Chi cục cũng lưu ý bà con cần theo dõi phát hiện sớm bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn... gây hại trên lúa sau mỗi đợt mưa dông để áp dụng biện pháp phòng, trừ kịp thời, không làm ảnh hưởng đến năng suất.