Mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, kê khai khấu trừ thuế giá trị đầu vào để lập hồ sơ xin hoàn thuế giá trị gia tăng là thủ đoạn không mới, song vẫn diễn ra nhức nhối. Ngành Thuế đã và đang kết hợp triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế, ngăn chặn tình trạng này.
Áp dụng hóa đơn điện tử góp phần giúp ngành Thuế quản lý chặt chẽ, kiểm soát thông tin về hoàn thuế giá trị gia tăng. |
Nhận diện thủ đoạn
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thuế, 9 tháng năm 2022, số thuế không đủ điều kiện hoàn qua kiểm tra hồ sơ lên tới 1.870 tỷ đồng, chiếm 1,7% tổng số thuế đề nghị. Đồng thời, qua 4.646 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế, tổng số thuế truy hoàn là 321,92 tỷ đồng.
Thủ đoạn, hành vi của các đối tượng gian lận hoàn thuế chủ yếu xảy ra tại khâu trung gian mua bán hàng hóa. Các doanh nghiệp trong khâu trung gian sau khi xuất hóa đơn cho doanh nghiệp mua (F1) đã tạm dừng kinh doanh hoặc bỏ trốn. Doanh nghiệp bán (F2) kê khai doanh thu nhỏ nhưng doanh nghiệp mua (F1) kê khai khấu trừ lớn. Qua xác minh, thanh toán tiền hàng và rút tiền từ ngân hàng đều diễn ra trong cùng một ngày và cùng tên một người.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp hoàn thuế giá trị gia tăng sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (mua của các doanh nghiệp không có hoạt động sản xuất, kinh doanh) hoặc sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp thay đổi trạng thái hoạt động liên tục tại nhiều địa phương khác nhau để kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và lập hồ sơ xin hoàn thuế. Ngoài ra, doanh nghiệp hoàn thuế lập chứng từ, hồ sơ xin hoàn thuế nhưng không có hàng hóa mua vào, không có kho hàng bến bãi, không có phương tiện vận chuyển...
Mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Phú Thọ) đã khởi tố 5 bị can, trong đó có 2 đối tượng cầm đầu đường dây mua bán trái phép hóa đơn; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, với doanh số hóa đơn điện tử đã bán đặc biệt lớn. Đồng thời, Công an đã thu giữ 228 con dấu của các doanh nghiệp bán hóa đơn, 32 con dấu giả các cơ quan chức năng và phong tỏa 2 tài khoản với số tiền trên 27 tỷ đồng.
Lợi dụng việc đăng ký kinh doanh và chuyển nhượng doanh nghiệp trực tuyến, từ cuối năm 2020 đến nay, các đối tượng đã mua 228 doanh nghiệp, đều sử dụng giấy tờ giả, địa chỉ chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, sau đó thiết lập mạng lưới trung gian khoảng 400 người. Các đối tượng khai thác trang thông tin điện tử các doanh nghiệp, tìm kiếm đơn vị có nhu cầu để bán hóa đơn giá trị gia tăng với doanh số đặc biệt lớn, khoảng hơn 25.000 tỷ đồng…
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, việc mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp không chỉ gây thất thu ngân sách nhà nước mà còn tạo môi trường kinh doanh không lành mạnh, bất bình đẳng. Vì vậy, cần xử lý nghiêm hành vi trên để bảo đảm tính răn đe.
Thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp rủi ro
Cục trưởng Cục Thanh tra, kiểm tra thuế (Tổng cục Thuế) Vũ Mạnh Cường cho biết, Tổng cục Thuế xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra, chống gian lận hoàn thuế. Tổng cục Thuế đề ra một số giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro, để thanh tra, kiểm tra và kịp thời xử lý thu hồi hoàn thuế. Trong đó, Tổng cục Thuế đã xây dựng bộ Tiêu chí và chỉ số phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng, lựa chọn doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro; giám sát, quản lý chặt chẽ việc hoàn thuế, đặc biệt là với một số nhóm mặt hàng có rủi ro cao.
“Giải pháp khác là tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp, tăng cường phối hợp giữa cơ quan thuế với các cấp, ngành trong chống thất thu, gian lận về hoàn thuế giá trị gia tăng. Trọng tâm của việc phối hợp là hướng tới sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan thuế với ngân hàng, hải quan, công an, chính quyền địa phương, cơ quan thuế nước bạn... để kiểm tra, xác minh giao dịch phát sinh trên hồ sơ hoàn thuế”, ông Vũ Mạnh Cường thông tin.
Đáng chú ý, việc sử dụng hóa đơn điện tử cũng là một trong những giải pháp quan trọng. Hiện nay, hóa đơn điện tử đã được triển khai tới 100% doanh nghiệp, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai, bảo đảm theo quy định tại Luật Quản lý thuế. Qua hóa đơn điện tử, cơ quan thuế quản lý chặt chẽ, kiểm soát thông tin về hoàn thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp.
Liên quan đến việc hoàn thuế, tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp vừa diễn ra, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã thẳng thắn giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp về thuế, hoàn thuế, trong đó có nội dung liên quan đến việc hoàn thuế trong lĩnh vực nông lâm sản.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng, mục tiêu xuyên suốt của ngành Thuế là hỗ trợ tối đa cho người nộp thuế nhưng phải bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật; đồng thời tuyệt đối không để thất thoát ngân sách nhà nước trong hoàn thuế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin