Huyện Định Hóa được Quỹ toàn cầu hóa nông thôn mới (SGF) tại Việt Nam tài trợ xây dựng thí điểm 2 làng nông thôn mới Saemaul tại xóm Tổ (xã Phượng Tiến) và xóm Phú Ninh (xã Phú Đình). Đến nay, cả 2 làng Saemaul đã xây dựng được nền tảng vững chắc, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Người dân làng Saemaul Phú Ninh, xã Phú Đình (Định Hoá) thu hái chè. |
Trước khi sáp nhập, xóm Tổ từng là khu vực nghèo nhất của xã Phượng Tiến. Xóm có diện tích tự nhiên khoảng 90ha, trong đó 70% là địa hình đồi núi, còn lại là ao hồ, đất trồng lúa. Cả xóm có 58 hộ, 243 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 21%. Kinh tế của người dân xóm Tổ chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp với quy mô hộ gia đình. Tuy nhiên, đây cũng là vùng có tiềm năng và thế mạnh phát triển nông, lâm nghiệp với các loại cây: chè, ngô, lúa, sắn, keo...
Năm 2014, xóm Tổ được lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình làng Saemaul Undong của Hàn Quốc do SGF Việt Nam hỗ trợ.
Saemaul undong là một phong trào xuất phát từ Hàn Quốc. “Saemaul” trong tiếng Hàn là “Sự đổi mới của cộng đồng” được ghép với “undong” có nghĩa là một phong trào và cụm từ “Saemaul undong” có nghĩa là phong trào đổi mới cộng đồng. Vì phong trào bắt đầu từ nông thôn nên “Saemaulundong” được hiểu là “Phong trào đổi mới nông thôn”. |
Thực hiện mô hình làng Saemaul, Quỹ SGF Việt Nam tập trung vào việc thay đổi tư duy sản xuất của bà con thông qua các mô hình chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất sản phẩm thương mại, đặc biệt là áp dụng máy móc, khoa học công nghệ vào trong sản xuất. Điển hình như Dự án đầu tư xây dựng 3 trại chăn nuôi thỏ, vịt, mỗi trại có diện tích 400m2 với quy mô 700-800 con, cho thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng/năm; Dự án hỗ trợ xưởng sản xuất miến dong tạo cơ hội việc làm cho hàng chục lao động…
Bà Nguyễn Thị Thắm, Trưởng xóm Tổ, cho biết: Bên cạnh hỗ trợ các mô hình sản xuất, Quỹ SGF Việt Nam còn quan tâm hỗ trợ xóm làm gần 2km đường giao thông, xây dựng phân hiệu trường tiểu học, trang bị thiết bị cho nhà văn hóa... Nhờ xây dựng mô hình làng Saemaul, đời sống vật chất và tinh thần của người dân xóm được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đạt khoảng 38 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5%/năm.
Còn tại xóm Phú Ninh, xã Phú Đình, Quỹ SGF Việt Nam tập trung hỗ trợ bà con xây dựng làng nghề chè Phú Ninh với diện tích 46ha, có gần 100 hộ tham gia. Đến nay, cả xóm đã có hơn 20ha chè được công nhận đạt chuẩn VietGAP, giá chè khô bình quân tăng lên 250 nghìn đồng/kg (tăng 20-30%). Nhờ đó, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân tăng lên 35 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6%.
Cùng với hỗ trợ nhân dân trong phát triển kinh tế, xóm Phú Ninh đã được SGF Việt Nam hỗ trợ bê tông hóa trên 2km đường lên đồi chè mẫu, xây dựng chòi canh vận hành hệ thống tưới nước trên đồi chè, lắp đặt hệ thống điện thắp sáng trục đường chính của xóm; hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng công trình nhà văn hóa xóm rộng trên 300m2, cùng nhiều công trình phụ trợ khác. Cùng với đó, bà con nhân dân trong xóm cũng đóng góp 160 triệu đồng để mở rộng trên 1.400m2 mặt bằng khuôn viên nhà văn hóa.
Nói về hiệu quả của mô hình làng Saemaul, ông Trương Văn Vựng, Chủ tịch UBND xã Phú Đình, cho hay: Cùng với những hỗ trợ về vật chất cho xóm Phú Ninh, điều quan trọng hơn cả mà Dự án mang lại là sự thay đổi nhận thức về sản xuất hàng hóa. Hiện nay, người dân đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất các sản phẩm chè, gạo, rau màu an toàn. Đồng thời, bà con đã hợp tác, liên kết với nhau trong các khâu để sản xuất chè, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm địa phương.
Có thể thấy, diện mạo 2 ngôi làng mới Saemaul của huyện Định Hóa đã thay đổi tích cực. 100% đường giao thông được bê tông hóa, có đèn thắp sáng bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương. Bên cạnh đó là tư duy về sản xuất, tập quán sinh hoạt cũng dần thay đổi để hình thành chuỗi sản xuất theo hướng hợp tác nâng cao giá trị sản phẩm…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin