Người thương binh giàu nghị lực

Phạm Ngọc Chuẩn 08:40, 12/12/2022

67 tuổi, lại thêm sức khỏe yếu, nhưng thương binh Vũ Thành Ninh, xóm Tướng Quân, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình. Nhiều người dân trong vùng cho biết: Ông là một tấm gương giàu nghị lực và luôn tích cực giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Thương binh Vũ Thành Ninh (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm khai thác mật ong với hội viên cựu chiến binh xã Hóa Thượng.
Thương binh Vũ Thành Ninh (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm khai thác mật ong với hội viên cựu chiến binh xã Hóa Thượng.

Trong lúc đưa chúng tôi đi thăm cơ ngơi của mình, ông Ninh rủ rỉ: 15 năm phục vụ trong quân đội, tôi trở về với gia đình, mang theo những vết thương trên da thịt và thứ chất độc hóa học âm thầm gặm nhấm trong gan ruột. “Chúng” là kẻ thù phục sẵn trong cơ thể của tôi, khi tiết trời thay đổi là lúc “chúng” thức dậy, hành hạ tôi cả thân xác và tinh thần. Nhưng chưa bao giờ tôi than vãn đau đớn hay bỏ cuộc.

Xuất ngũ năm 1985, ông Ninh bắt đầu tạo lập cơ nghiệp từ đôi bàn tay và sức lao động. Bố mẹ nghèo, tài sản để lại cho ông chỉ là bãi đất trồng ngô, cấy lúa. Ông động viên vợ bằng cách xòe đôi bàn tay mình ra, bảo: No ấm là ở đây! Bà Nguyễn Thị Huân, vợ ông cũng động viên: “Thuận vợ thuận chồng/Tát biển Đông cũng cạn”.

Khuya sớm cặm cụi làm lụng, tích lũy vốn liếng rồi cũng mua thêm được đất đai sản xuất. Hiện gia đình ông đang sở hữu hơn 3.700m2 đất trồng cây ăn quả và 1 mẫu ruộng cấy lúa. Đất đai rộng rãi, song có lúc, cuộc sống của gia đình cũng chật vật. 1 mẫu ruộng cấy 2 vụ thu hoạch được hơn 3 tấn/năm, xay xát đủ gạo nuôi 7 miệng ăn trong nhà, gồm 2 vợ chồng và 5 đứa con tuổi ăn, tuổi lớn. Còn bãi, đồi ông tự quy hoạch trồng nhãn lồng Hưng Yên và một số loại cây ăn quả khác. Dưới gốc cây ông đặt thêm thùng nuôi ong lấy mật. Ông khề khà: Rồi gà nuôi vài chục con, lợn 1 cặp tận dụng thức ăn thừa, lấy phân bón ruộng tăng thu nhập.

Nhà nông, trăm việc trong nhà đều trông vào hạt thóc: Con đóng học, cưới gả, ma chay, giỗ chạp… quay như chong chóng. Song chưa khi nào các con ông thiếu tiền mua sách vở, hụt bữa và với việc làng nước, ông đều trọn vẹn nghĩa tình.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Hóa Thượng, cho biết: Là thương binh hạng 2/4, đồng thời là nạn nhân chất dộc da cam mức 3, nhưng ông Ninh không nề nan cực nhọc, hăng say làm kinh tế gia đình...

Qua câu chuyện chúng tôi còn được biết, vào những năm cuối của thập niên chín mươi của thế kỷ trước, gia đình ông Ninh là một địa chỉ tin cậy trong việc cung cấp giống cây ăn quả cho bà con trong vùng. Ông đã cung ứng hàng nghìn bầu cây vải, nhãn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trồng, đợi cây cho quả bán mới nhận lại tiền vốn gốc.

Ông Ninh chia sẻ: Dù kinh tế gia đình tôi không phải dư dả nhiều, song thấy giúp được ai việc gì, tôi làm ngay không suy tính hơn thiệt.

Rồi lần lượt 5 người con của ông trưởng thành, yên bề gia thất, ra lập nghiệp riêng. Ngôi nhà rộng rãi từng một thời ồn ào tiếng con trẻ nô đùa, nay còn lại có vợ chồng già vào ra có bạn. Nhàn tản nhiều, nhưng chưa bao giờ ông cho phép mình lãng phí thời gian. Ông bảo: Tôi sức yếu, nên chọn cách làm kinh tế bằng vườn cây ăn quả, nuôi ong, chơi chim cảnh và hoa phong lan. Mỗi thứ một chút, song mỗi sớm mai thức dậy nghe bầy chim líu lo hót, xem hoa nở, nhẩn nha cộng sổ thu chi từ hàng trăm cây vải, nhãn, hồng và 100 đàn ong lấy mật, tôi có dư hơn 150 triệu đồng/năm, mà gần như không phải mất vốn đầu tư. Công việc hái quả, lấy mật đều thuê người làm.

Vào cuối tuần, các con, cháu trở về quây quần bên mâm cơm, nghe ông kể chuyện đánh giặc Mỹ, đứa nào cũng thích thú, lắng nghe. Tôi thầm nhủ: Hạnh phúc nhường nào với một người “Thương binh tàn nhưng không phế”.


Từ khóa:

thương binh

kinh tế

làm giàu