Kinh tế tuần hoàn không chỉ góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp mà còn giúp giảm khai thác tài nguyên, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng và cũng là đòi hỏi tất yếu đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, không ngoại trừ Việt Nam.
Khu chăn nuôi gà đẻ trứng áp dụng công nghệ cao Công ty Delco Farm, tỉnh Bắc Ninh. |
Các chuyên gia đánh giá, việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để Việt Nam phát triển bền vững. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn cũng đang gặp phải không ít khó khăn, rào cản, nhất là về nhận thức, cũng như thiếu chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp áp dụng các mô hình tiên tiến này.
Xu hướng phát triển mới
Theo các nghiên cứu, lý do chính bắt buộc diễn ra sự chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, đó là sự gia tăng nhu cầu về nguyên liệu thô, trong khi nguồn nguyên liệu này ngày càng cạn kiệt; sự phụ thuộc vào các quốc gia khác về nguyên liệu thô, dẫn đến căng thẳng chính trị toàn cầu; tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, gây nên các hậu quả nghiêm trọng.
Mặt khác, kinh tế tuần hoàn còn tạo ra các cơ hội mới cho phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực thiết kế, tái chế và sáng tạo. Vì vậy, trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã triển khai chiến lược chuyển đổi, tập trung tái sử dụng các nguồn tài nguyên một cách hiệu quả thông qua phát triển kinh tế tuần hoàn.
Tại châu Âu, để thực hiện “kinh tế tuần hoàn”, Ủy ban châu Âu (EC) đã kêu gọi sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp đến người tiêu dùng,… cùng tham gia loại hình kinh tế này. Theo ước tính, kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra lợi ích khoảng 600 tỷ euro mỗi năm, tạo ra 580 nghìn việc làm mới và giúp giảm đáng kể phát thải khí nhà kính.
Là điểm sáng trong phát triển kinh tế tuần hoàn của khu vực, Chính phủ Thụy Điển đã triển khai nhiều chương trình, chính sách nhằm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp; song hành cùng với đó là xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường bằng việc đánh thuế cao các loại chất thải, đồng thời ban hành nhiều cơ chế ưu đãi việc sử dụng năng lượng tái tạo,...
Nhờ đó, Thụy Điển đã tái chế được 53% vật liệu nhựa tiêu dùng; 50% chất thải trong ngành xây dựng, tái chế 99% rác thải thành năng lượng điện. Thụy Điển đã phát triển triết lý kinh tế tuần hoàn lên tầm cao mới với phương châm “thay đổi tư duy tiêu dùng sẽ dẫn đến thay đổi tư duy sản xuất”.
Tương tự, Trung Quốc cũng là quốc gia tiên phong về tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn sau thời gian sử dụng lãng phí các nguồn lực tự nhiên, gây ra nhiều hệ lụy về môi trường. Năm 2008, nước này đã thông qua dự luật liên quan đến nền kinh tế tuần hoàn. Năm 2018, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) ký biên bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế tuần hoàn. Năm 2019, hợp tác liên lục địa gồm 200 doanh nghiệp của các quốc gia trên thế giới và của Trung Quốc đã cam kết nền kinh tế tuần hoàn về nhựa,...
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã xây dựng ba khâu chiến lược, bao gồm: Vòng tuần hoàn nhỏ (thực hiện ở quy mô nhà máy và khu công nghiệp), vòng tuần hoàn vừa (mở rộng quy mô hơn) và vòng tuần hoàn lớn (thực hiện trên toàn bộ nền kinh tế) để phát triển kinh tế tuần hoàn.
Nền kinh tế tuần hoàn ở Trung Quốc đã được định hướng theo lộ trình cụ thể, từ việc xác định quan niệm đến mục tiêu và thậm chí có tính bắt buộc đối với các doanh nghiệp thông qua hệ thống pháp luật.
Xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ
Tại Việt Nam, trong những năm gần đây cũng đã có một số doanh nghiệp chuyển từ mô hình kinh doanh tuyến tính sang mô hình kinh doanh tuần hoàn với mô hình sản xuất sạch. Bộ Công thương thống kê, hiện có khoảng 400 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã được hỗ trợ đánh giá nhanh, khoảng 100 doanh nghiệp được hỗ trợ để trở thành các mô hình điểm về áp dụng sản xuất sạch.
Thông qua các hoạt động này, các đơn vị sản xuất đã nhận thức rõ hơn và chủ động áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch nhằm giảm mức phát sinh chất thải, tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng và nước, từ đó tiết kiệm chi phí sản xuất cũng như thúc đẩy thực hiện đầy đủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia và phản ánh của các doanh nghiệp, quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn nói chung và triển khai các mô hình sản xuất mới nói riêng đang gặp không ít khó khăn, rào cản. Nổi bật là nhận thức, hiểu biết về kinh tế tuần hoàn còn hạn chế, đồng thời thiếu các chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp tham gia áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn, nhất là chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, công nghệ và đào tạo.
Ngoài ra, công tác thông tin, truyền thông về kinh tế tuần hoàn còn hạn chế; thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hoạch định chính sách với các doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu khoa học-công nghệ. Đây là những nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn còn thấp (theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM).
Chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới và cả các quốc gia ASEAN bởi chính những lợi ích về kinh tế và môi trường. Trong năm 2021, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN đã ký thông qua Khung Kế hoạch thực hiện kinh tế tuần hoàn cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Tín hiệu đó cho thấy, kinh tế tuần hoàn đang ngày càng nhận được sự ủng hộ trên cả phương diện khoa học, thực tiễn chính sách của các quốc gia, đồng thời là đòi hỏi tất yếu trong phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian tới.
Các chuyên gia kiến nghị, để thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Thứ nhất, cần hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho phát triển kinh tế tuần hoàn, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan; quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực.
Thứ hai, cần xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học-công nghệ vào các ngành, nhất là xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu mới. Mặt khác, quy định lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần.
Thứ ba, chúng ta cần điều chỉnh quy hoạch năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch; kiểm soát, thu hút có chọn lọc dự án đầu tư trên cơ sở xem xét các yếu tố về quy mô sản xuất, công nghệ sản xuất, kỹ thuật môi trường và vị trí thực hiện dự án; xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ dựa trên các tiêu chí tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải. Thứ tư, xây dựng chiến lược truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất và người dân về lợi ích kinh tế tuần hoàn mang lại.
Để khuyến khích doanh nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn, Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Hoa Cương cho rằng, cần đẩy mạnh thực hiện lồng ghép các giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, kết hợp với ban hành chính sách cụ thể về hỗ trợ nguồn lực đối với các doanh nghiệp và xây dựng hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn cũng như hướng dẫn chi tiết về việc áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn cho các doanh nghiệp theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Đồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược dài hạn trong việc chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn, phát triển bền vững.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin