Đầu tư công trình thủy lợi phục vụ sản xuất

Lương Hạnh 07:39, 16/12/2022

Đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi không chỉ nhằm duy trì hoạt động sản xuất mà còn để chủ động điều tiết nước, mở rộng diện tích, thâm canh tăng vụ, nâng cao giá trị sử dụng đất. Từ những lợi ích đó, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình hồ đập, kênh mương, tạo thuận lợi cho việc tích trữ nước, đảm bảo diện tích gieo trồng theo kế hoạch và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Công trình sửa chữa hệ thống kênh mương tiêu thoát nước ở xã Hà Châu (Phú Bình) đang được đơn vị thi công tích cực triển khai, phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2023.

Những ngày này, công trình sửa chữa hệ thống kênh mương tiêu thoát nước xã Hà Châu (Phú Bình) đang được chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh) đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Theo đó, công trình có tổng mức đầu tư hơn 10,6 tỷ đồng, bao gồm tuyến kênh chính dài hơn 1,3km và 2 tuyến kênh nhánh dài trên 1,7km.

Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng (năm 2023), công trình hệ thống kênh mương tiêu thoát nước xã Hà Châu sẽ tăng khả năng tiêu thoát nước, tránh ngập úng cho khoảng 250ha đất sản xuất nông nghiệp, khu dân cư thuộc các xã Hà Châu, Nga My (Phú Bình) và phường Tiên Phong (TP. Phổ Yên), tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo ông Nguyễn Viết Đài, Bí thư Đảng ủy xã Hà Châu: Việc sửa chữa hệ thống kênh mương tiêu thoát nước là niềm mong mỏi bấy lâu của bà con trong xã. Bởi, vào mùa mưa lũ, khu vực này thường bị ngập úng, ảnh hưởng đến sản xuất và đi lại của nhân dân. Chính vì vậy, khi Nhà nước có dự án, bà con rất đồng thuận và tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công.

Công trình hồ Làng Hin có khả năng cung cấp nước tưới cho gần 130ha lúa của bà con xã Phấn Mễ (Phú Lương).

Tương tự, đối với người dân xã Văn Hán (Đồng Hỷ), việc công trình hồ Vân Hán vừa được tích trữ nước và đưa vào sử dụng cũng đã giúp thỏa nỗi mong chờ của bà con. Hồ Vân Hán không chỉ đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất cho hơn 300ha đất nông nghiệp của xã Văn Hán và một số địa bàn lân cận, mà còn góp phần tạo cảnh quan môi trường, hướng tới phát triển du lịch sinh thái.

Anh Nông Xuân Trường, một hộ dân ở xã Văn Hán, phấn khởi nói: Trước đây, ruộng lúa của bà con thường bị thiếu nước, nhất là vào vụ đông xuân. Giờ đây, hồ Vân Hán đã được đưa vào sử dụng, chúng tôi chủ động được nguồn nước cày cấy, bà con ngay lập tức thâm canh thêm cây trồng vụ đông.

2 công trình trên nằm trong số hàng chục công trình thủy lợi được tỉnh quan tâm đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Là đơn vị quản lý 199 hồ đập lớn trên địa bàn, từ năm 2021 đến nay, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã bố trí kinh phí hàng chục tỷ đồng để thi công cải tạo, sửa chữa các hồ: Núi Mủn, xã Cổ Lũng, (Phú Lương); Đồng Tâm, xã Phúc Lương và Cây Nhừ, xã Phú Lạc (Đại Từ); Bó Vàng, xã Thanh Định (Định Hóa); La Đao, xã Tân Kim (Phú Bình)... Ngoài ra, Công ty cũng đã đưa vào kế hoạch sửa chữa 13 công trình hồ, đập ở các huyện Đại Từ, Định Hóa, Phú Bình, Đồng Hỷ.

Đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh cũng đã tiến hành đầu tư sửa chữa, nâng cấp một số hồ chứa như: hồ Suối Lạnh, xã Thành Công (TP. Phổ Yên); hồ Ghềnh Chè, xã Bình Sơn (TP. Sông Công); hồ Nà Kháo, xã Phú Thượng (Võ Nhai); hồ Bảo Linh, xã Bảo Linh (Định Hóa)...

Sau khi các công trình thủy lợi được đưa vào khai thác đã giúp cho bà con tăng hệ số sử dụng đất. Ngoài cấy 2 vụ lúa, người dân còn thâm canh tăng vụ đối với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế như: rau màu, hoa… Đặc biệt, do chủ động được nguồn nước tưới nên trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất lúa tập trung, cánh đồng lớn ở các xã: Tân Đức, Úc Kỳ (Phú Bình); Minh Lập, Nam Hòa (Đồng Hỷ); Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành (Phú Lương)…

Nhờ đó, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm của Thái Nguyên luôn đạt và vượt kế hoạch. Từ hoạt động bảo đảm hệ thống thủy lợi, năm 2022, diện tích gieo cấy lúa toàn tỉnh duy trì đạt 68.258ha, ngô là 15.240ha; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 457.280 tấn, vượt 4,7% kế hoạch; giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt tăng từ 100 triệu đồng/ha (năm 2019) lên 123,2 triệu đồng/ha.

Đặc biệt, nhờ có các công trình thủy lợi mà tại nhiều vùng chè nổi tiếng trong tỉnh như: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên); La Bằng (Đại Từ); Vô Tranh, Tức Tranh (Phú Lương); Minh Lập (Đồng Hỷ)… bà con đã tập trung sản xuất chè đông, nâng số lứa thu hoạch từ 6 lên 8 lứa/năm. Ngoài ra, tại nhiều địa phương trong tỉnh, bà con đã tận dụng hệ thống thủy lợi để mở rộng thêm diện tích cây ăn quả và nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế khác, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp.

Để các công trình thủy lợi phát huy hiệu quả, thời gian tới, ngành chức năng và chính quyền các địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm trong phạm vi bảo vệ hành lang an toàn công trình thủy lợi. Đồng thời, rà soát, đánh giá thực trạng các hồ, đập để kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, ngành chức năng hỗ trợ về kinh phí để khắc phục sửa chữa, cải tạo kịp thời các hạng mục hư hỏng, xuống cấp nhằm đảm bảo an toàn hồ đập và cấp nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt.