Hợp Tiến tập trung giúp người nghèo thoát khó

Minh Phương 08:31, 30/01/2023

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và xây dựng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao là những giải pháp đã và đang được cấp ủy, chính quyền xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) tích cực triển khai. Từ đó giúp người dân thay đổi tập quán sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống…

Ông Triệu Đức Hương, xóm Mỏ Sắt, xã Hợp Tiến đã phá bỏ hơn 1ha tre phấn và thay thế bằng cây keo, bạch đàn.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế, ông Triệu Đức Hương, ở xóm Mỏ Sắt, xã Hợp Tiến, đã phá bỏ hơn 1ha tre phấn và trồng thay thế bằng cây keo, bạch đàn. Ảnh: T.L

Chia sẻ về công tác giảm nghèo ở địa phương, ông Trần Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến, cho biết: Đặc thù của xã là có tới trên 70% dân số là đồng bào dân tộc Dao, trình độ sản xuất còn hạn chế. Do đó, chúng tôi tập trung vào công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, khơi dậy ý chí chủ động, tự lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội; xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đơn cử như tại xóm Cao Phong có 375 hộ dân thì có tới 90% là đồng bào dân tộc Dao, cuộc sống của người dân chủ yếu trông chờ vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Trước đây, bà con chỉ phát triển kinh tế theo kiểu tự sản tự tiêu, không chú trọng tích luỹ, không áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nên năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi thấp. Thời gian qua, nhờ công tác tuyên truyền, vận động và nỗ lực của chính người dân, nhiều hộ nông dân trước đây thuộc hộ nghèo nay đã tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá giả. Điển hình như các gia đình anh Dương Văn Quyết, Triệu Văn Thuận…

Anh Dương Văn Quyết chia sẻ: Nhìn gia cảnh khó khăn, vợ con nheo nhóc, tôi quyết tâm đi học nghề mộc. Tiếp đó, tôi vay mượn anh em bạn bè, vay thêm ngân hàng để có vốn mở cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ. Sau vài ba năm, từ cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ nhỏ ban đầu, tôi đã có thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, mua sắm nhiều vật dụng sinh hoạt, xây nhà. Năm 2019 gia đình tôi thoát nghèo và từ năm 2021 không còn là hộ cận nghèo. Hiện gia đình tôi có điều kiện mua thêm xe ô tô để kinh doanh vận tải.

Cũng mong muốn làm giàu ngay trên chính đồng đất quê hương, các ông: Triệu Hữu Vy, Bàn Sinh Sáu, Đặng Hữu Ninh… ở xóm Cao Phong lại mạnh dạn đưa cây thanh long vào trồng. Nhờ tích cực học hỏi, áp dụng theo khoa học kỹ thuật trong sản xuất nên chất lượng quả thanh long nơi đây khá tốt, được tư thương tìm về tận nơi thu mua.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng  xóm Cao Phong, nói: Cây thanh long hiện đang được nhân rộng trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Ở Cao Phong đang từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung với quy mô ngày càng mở rộng, tạo nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Không riêng Cao Phong, ở các xóm Mỏ Sắt, Đèo Bụt, Bãi Vàng, Đoàn Kết… nhiều nông hộ đã được tập huấn về cách lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi; sử dụng thức ăn gia súc, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật; cách chăm sóc vật nuôi, cây trồng... Từ đó, tích cực đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng năng suất và hiệu quả trên diện tích đất canh tác.

Ngoài ra, để giúp nông dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất, Hội Nông dân xã Hợp Tiến đứng ra tín chấp, nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho hội viên vay các nguồn vốn phát triển kinh tế. Đến nay, tổng số vốn vay thông qua Hội đạt trên 40,9 tỷ đồng, cho 505 lượt hộ vay.

Thông qua nguồn vốn trên, các hộ dân có điều kiện đầu tư vào sản xuất, chế biến tiêu thụ chè, trồng cây ăn quả, trồng rừng và chế biến lâm sản; phát triển kinh tế hợp tác xã... Hợp Tiến hiện có 1 Hợp tác xã đa nghề Trường Thuật ở xóm Bãi Bông, 1 tổ hợp tác trồng cây thanh long ở xóm Cao Phong. Ngoài ra, xã còn có 7 cơ sở sản xuất tăm tre, 21 cơ sở chế biến băm, bóc gỗ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 250 lao động...

Nhờ thực hiện hiệu quả đồng bộ các giải pháp, tính đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt trên 37 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,74% và theo chuẩn đa chiều mới là trên 17%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được từng bước cải thiện. Từ năm 2018 đến nay, toàn xã Hợp Tiến có trên 750 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được các cấp, ngành biểu dương khen thưởng…