Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, song năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã thiết lập kỷ lục mới khi lần đầu tiên đạt mức 32,1 tỷ USD. Kết quả này giúp Thái Nguyên tiếp tục duy trì vị trí trong tốp 4 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về giá trị xuất khẩu.
Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH Rftech Thái Nguyên (Khu công nghiệp Điềm Thụy). |
Những con số kỷ lục
Năm 2022 được đánh giá là năm đầy gian khó đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và của Thái Nguyên nói riêng. Ảnh hưởng của xung đột chính trị, lạm phát, suy thoái kinh tế đã khiến cho nhu cầu hàng hóa từ các đối tác thương mại lớn như: Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Canada... bị suy giảm đáng kể.
Mặc dù vậy, với nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, tận dụng tốt cơ hội và những thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường mới, khai thác tối đa các hiệp định thương mại, hoạt động xuất khẩu của Thái Nguyên vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, với những kết quả hết sức ấn tượng.
Thống kê của Sở Công Thương cho thấy, ngay từ cuối tháng 11, nhiều nhóm hàng xuất khẩu quan trọng của tỉnh đã “về đích” sớm. Chỉ trong 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn đã vượt cả năm 2021 khoảng 350 triệu USD.
Dự ước cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Đây cũng là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vượt mốc 30 tỷ USD.
Đóng góp quan trọng vào kết quả này chủ yếu là khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với giá trị xuất khẩu đạt 31,405 tỷ USD, chiếm 97,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 11,2% so với năm 2021.
Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là điện thoại thông minh, máy tính bảng, các loại linh kiện điện tử… Ngoài ra, xuất khẩu từ khu vực kinh tế trong nước ước đạt 695 triệu USD, tăng 17,5% so với năm 2021.
Theo xếp hạng của Bộ Công Thương, năm 2022 là năm thứ 3 liên tiếp Thái Nguyên đứng thứ 4 cả nước và dẫn đầu các tỉnh vùng trung du, miền núi phía Bắc về giá trị xuất khẩu. Đây cũng là năm thứ 9 liên tục Thái Nguyên đạt xuất siêu với mức thặng dư 12,6 tỷ USD.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư quốc tế Thagaco (Đại Từ). |
Triển vọng bứt phá
Nếu như năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chỉ đứng thứ 45/63 tỉnh, thành trong cả nước, với con số khiêm tốn 0,246 tỷ USD, thì chỉ sau 9 năm, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã tăng gấp 130 lần, trở thành một trong 4 địa phương có giá trị xuất khẩu lớn nhất cả nước (đứng sau TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh và Bình Dương).
Có thể nói, đây chính là bước tiến ngoạn mục của Thái Nguyên trên bản đồ xuất khẩu quốc gia. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thứ hạng về giá trị xuất khẩu của tỉnh nhiều khả năng sẽ tiếp tục được cải thiện. Bởi thời gian gần đây Thái Nguyên ngày càng có nhiều dự án sau khi đi vào hoạt động ổn định đã tiếp tục tăng vốn, mở rộng sản xuất.
Trong đó, nổi bật nhất là Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD từ đầu năm 2022; Tập đoàn Trina Solar đầu tư dự án thứ 2 tại Thái Nguyên với tổng mức đầu tư 275 triệu USD, dự kiến hoàn thành tháng 6/2023; Công ty Sunny Opotech đề nghị tăng mức đầu tư thêm 350 triệu USD để tiếp tục mở rộng sản xuất… Đây là những dự án hứa hẹn sẽ đóng góp rất lớn vào giá trị xuất khẩu của tỉnh trong thời gian tới.
Đánh giá về triển vọng tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh, ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương, cho rằng: Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nguy cơ suy thoái, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh trong thời gian tới được dự báo sẽ đối diện với không ít khó khăn khi các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống có thể bị thu hẹp. Chính vì vậy, ngành Công Thương sẽ tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, khai thác hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, giúp doanh nghiệp tiếp cận, tìm kiếm thị trường để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin