Nhân rộng mô hình trồng tre Lục Trúc lấy măng

Trinh An 08:21, 05/01/2023

Mỗi héc-ta đất vườn đồi trồng tre lấy măng Lục Trúc cho thu nhập trên 400 triệu đồng/năm, sản phẩm măng thu hoạch đến đâu bán hết đến đó… Đó là những lợi thế của trồng tre Lục Trúc so với nhiều loại cây trồng khác được người dân nhẩm tính. Và đây cũng chính là một trong những động lực thúc đẩy nông dân phát triển kinh tế đồi rừng.

Mô hình trồng măng Lục Trúc của gia đình anh Man Văn Tiến (thị trấn Trại Cau, Đồng Hỷ).
Mô hình trồng tre Lục Trúc lấy măng của gia đình anh Man Văn Tiến, ở thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ). Ảnh: T.L

Để mục sở thị lợi ích của loại cây trồng mới này, chúng tôi đến thăm mô hình trồng tre Lục Trúc lấy măng của gia đình chị Lại Thị Lý Hạnh, ở xóm Làng Tràng, xã Tân Lợi (Đồng Hỷ).

Chị Hạnh cho biết: Trước năm 2021, gia đình tôi trồng trên 200 gốc táo, cho thu nhập ổn định và đạt giá trị từ 250-300 triệu/ha. Tuy nhiên, quy trình chăm sóc đòi hỏi nhiều công sức và phải thường xuyên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Trong khi giá bán trên thị trường không ổn định, nhiều lần vào nửa đêm, tôi phải mang táo ra chợ chào bán, rồi bị tư thương ép giá, người tiêu dùng thì nghi ngại về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dẫn đến ế hàng... Sau khi được cán bộ Nông nghiệp địa phương tư vấn trồng tre Lục Trúc, gia đình chúng tôi đã đi học tập kỹ thuật ở nhiều nơi và quyết định chuyển hướng sang thâm canh tre lấy măng. Với ưu điểm là chịu hạn tốt, không bị ảnh hưởng sâu bệnh và thâm canh trên nhiều loại đất, măng Lục Trúc tương đối dễ trồng và cho hiệu quả nhanh chóng.

Tre Lục Trúc thường được gọi là tre Đài Loan. Theo người dân, khi măng mới nhú lên khỏi mặt đất là phải đào ngay, phần dưới còn 6 mắt tiếp tục phát triển thành 6 cây măng khác nên được gọi là măng Lục Trúc. Măng có thể chế biến thành nhiều món ăn như nộm, luộc, xào hay lẩu, nước luộc ngọt thanh, không bị đắng, he như loại măng khác nên được thị trường ưa chuộng.

Thông thường, sau trồng 1 năm, cây tre Lục Trúc bắt đầu cho thu hoạch, thời gian kéo dài từ tháng 2 đến đến tháng 10 Âm lịch. Đối với kỹ thuật trồng và chăm sóc, tuy không mất nhiều công nhưng phải đảm bảo đúng kỹ thuật, bón phân và tỉa cây theo từng giai đoạn. Nếu trồng lúc nắng quá hay mưa quá cũng không được, trời nắng cần che đậy và tưới đủ lượng nước cho cây giống. Với cây đã cho thu hoạch cần bón phân lân, kali hằng tháng và tỉa bỏ những cây già cỗi. Để phòng ngừa sâu đục măng, đến cuối tháng 12 cần bới gốc cây cho lộ rễ, rắc một lớp vôi mỏng khử trùng rồi để phơi nắng từ 2-4 ngày; sau đó mới cho phân bổ sung dinh dưỡng và lấp đất vừa đủ.

Theo anh Man Văn Tiến, ở thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ), người có kinh nghiệm trồng tre Lục Trúc lấy măng: Sau 3 năm trồng, đến nay, gia đình tôi có 200 gốc măng Lục Trúc đã cho thu hoạch. Mỗi ngày, tôi thu được 10-20kg măng. Sau khi trừ chi phí và công chăm sóc, bình quân mỗi tháng tôi thu lãi được hơn 10 triệu đồng, cao hơn nhiều loại cây trồng khác.

Còn anh Trần Văn Nhàn, một trong những hộ tham gia mô hình trồng tre Lục Trúc lấy măng của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chia sẻ: Tham gia mô hình, gia đình tôi đã trồng thử nghiệm tre Lục Trúc trên diện tích 0,5ha. Đến vụ, mỗi ngày, tôi thu hái được từ 30-40kg măng. Măng chủ yếu được bán tại thị trường địa phương và một số nhà hàng. Nhờ trồng tre Lục Trúc, bình quân mỗi tháng, tôi thu lãi hơn 18 triệu đồng.

Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Trại Cau, cho hay: Mô hình ứng dụng kỹ thuật trồng tre Lục Trúc lấy măng của Trung tâm Khuyến nông tỉnh được triển khai tại địa phương từ năm 2021. Theo đó, 6 hộ dân thuộc tổ 7, thị trấn Trại Cau, tham gia mô hình được hỗ trợ 70% phân bón và gần 1.100 cây tre giống; được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản măng. Sau 8 tháng sinh trưởng và phát triển, cây đã cho thu hoạch lứa măng đầu tiên. Tre Lục Trúc được đánh giá là phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương và bước đầu cho thấy hiệu quả rất khả quan. 

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, măng Lục Trúc phù hợp với đồng đất Trại Cau. Với loại cây này, bà con có thể tận dụng diện tích đất vườn đồi, soi bãi, đất ven sông, suối để trồng, giúp cho người dân nâng cao thu nhập và cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Cùng với đó, việc trồng tre Lục Trúc lấy măng như một phương thức đưa các vùng đất trống vào sử dụng một cách kinh tế, loại cây này có khả năng tạo sinh khối nhanh, dễ tạo nguồn giống, có khả năng chắn gió, giữ đất cao, phát huy nhanh tác dụng phòng hộ, phù hợp với người nông dân. Chính vì vậy, việc phát triển mô hình ứng dụng kỹ thuật trồng tre Lục Trúc chính là một mô hình nông lâm kết hợp, tạo sinh kế cho người nông dân vươn lên phát triển kinh tế gia đình.


Từ khóa:

mô hình

tre Lục Trúc