Sau nhiều lần chuyển đổi nghề nghiệp nhưng cuộc sống chưa hết khó khăn, anh Nghiêm Văn Tân, 43 tuổi, ở xóm Cọ 1, xã Phấn Mễ (Phú Lương) quyết định chuyển hướng đầu tư sang chăn nuôi gà trang trại và trở thành tỷ phú. Anh chia sẻ: Cơ chế thị trường, càng nuôi nhiều càng thắng lớn. Hiện tôi đang tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô trang trại, dự kiến nâng tổng đàn từ 20.000 con lên 30.000 con/lứa.
Từ chăn nuôi gà trang trại, năm 2022, gia đình anh Nghiêm Văn Tân thu lãi 2 tỷ đồng. |
Trao đổi với chúng tôi về phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi", chị Dương Thị Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phấn Mễ, phấn chấn: Từ phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình nông dân tiêu biểu, trong đó có anh Tân. Nhờ đầu tư chăn nuôi gà trang trại hiệu quả, chỉ sau 3 năm, anh đã trở thành một tỷ phú đúng nghĩa.
Như để minh chứng lời mình nói, chị Hồng đưa chúng tôi về xóm Cọ 1, đến thăm trang trại của anh Tân. Đến nơi, chúng tôi “bắt gặp” anh đang tự tay hàn xì các khung kẽm, chuẩn bị dựng thêm một khu trại chăn nuôi mới. Biết tôi có ý thắc mắc, anh Tân giải thích: Gò, hàn mới là nghề chính của tôi. Nhưng đó là chuyện của ngày trước đây.
Ngược dòng thời gian, năm 2001, sau tốt nghiệp khóa Trung cấp cơ khí, anh Tân được một công ty ở TP. Hồ Chí Minh tuyển dụng vào làm công nhân. Sau 10 năm đi ca, vào kíp, tiền tích lũy chẳng được là bao, anh bỏ việc, trở về nhà với quyết tâm làm giàu bằng chính nghề mình học. Ban đầu, để thành thục nghề và thiết lập được thị trường, anh đi làm thuê cho một xưởng cơ khí trong 3 năm, rồi mới chính thức mua đất, dựng xưởng, trực tiếp nhận việc với bà con trong vùng. Xưởng của anh Tân chủ yếu nhận việc dựng khung nhà kẽm, bắn mái tôn cho trang trại chăn nuôi. Qua chia sẻ với các chủ trang trại, anh nhận thấy mình phù hợp với công việc chăn nuôi gà hơn là làm các nghề phi nông nghiệp.
Từ đó, anh bắt đầu học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi gà từ các trang trại trong xã và lên mạng internet tìm đọc thông tin hướng dẫn chăn nuôi gà an toàn. Khi đã nắm bắt được những kiến thức cơ bản về chăn nuôi gà trang trại, anh Tân bỏ xưởng cơ khí, dồn toàn bộ vốn liếng mua khu đất rộng hơn 5.000m2 ngoài rìa xóm để thực hiện giấc mơ làm giàu.
Anh cho biết: Năm 2017, tôi thuê máy về cải tạo đồi bãi lấy mặt bằng làm trang trại, phần xây thuê thợ, phần cơ khí như cột kèo dùng hộp kẽm, bắn mái tôn đều tự tay tôi làm, giảm được một phần chi phí. Ngay lứa chăn nuôi “đầu tay”, với 1.000 gà con nhập chuồng, khi xuất bán chẳng hao hụt con nào nên thắng lớn.
Với anh Tân, việc chăn nuôi gà trang trại có nhiều thuận lợi. Trước tiên là trang trại nằm xa khu dân cư nên môi trường chăn nuôi luôn được bảo đảm; tiếp đến là có kinh nghiệm và bản thân làm chủ được khoa học kỹ thuật. Về vốn đầu tư, anh được Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Quỹ Hỗ trợ nông dân cho vay thêm.
Trong thời gian 4 năm đầu, anh duy trì tổng đàn 10.000 con/lứa. Với suy nghĩ vừa làm, vừa tự đúc kết thêm kinh nghiệm, đồng thời tích lũy thêm vốn liếng, từ năm 2021 đến nay, anh Tân đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi lên 20.000 con/lứa. Với 5 lứa gà xuất bán/năm, sản lượng của trang trại đạt 40 tấn/năm. Theo đó, doanh thu đạt hơn 12 tỷ đồng/năm, trừ các khoản chi phí như lương người lao động, thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng bệnh gia cầm và tiền điện… anh còn lãi 2 tỷ đồng/năm.
Hiện trang trại của anh Tân đang tạo việc làm cho 15 lao động địa phương, với mức lương từ 10 đến 15 triệu đồng/người/tháng. Nhằm vận hành hoạt động trang trại an toàn, anh ký hợp đồng làm việc với 1 bác sĩ thú y, 1 nhân công điện, nước kiêm công tác vệ sinh môi trường, 1 nhân công chuyên chế biến thức ăn và 12 lao động phổ thông. Để giảm sức lao động, tăng năng suất công việc, anh tích cực đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, như: lắp đặt hệ thống máng ăn tự động; sử dụng công nghệ sinh học khử mùi hôi trang trại và toàn bộ công việc vận chuyển được sử dụng bằng xe cơ giới.
Công việc trang trại bận rộn, song anh Tân luôn tích cực chia sẻ, giúp đỡ bà con trong vùng về kinh nghiệm chăn nuôi gà thương phẩm. Nhiều bà con được anh hỗ trợ bằng cách cho vay vốn phát triển sản xuất không lấy lãi. Một số nhân công đang làm việc trong trang trại của anh là người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phấn Mễ Dương Thị Hồng cho biết thêm: Không chỉ là tấm gương nông dân vượt khó, vươn lên thành tỷ phú, anh Tân còn là một “mạnh thường quân” luôn sẵn lòng giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo. Năm nào anh cũng có quà tặng hộ nghèo đón Tết Nguyên đán.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin